Sữa Việt Nam

Masan lên kế hoạch tấn công thị trường sữa

Thị trường lại dậy sóng khi ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan tiết lộ kế hoạch Công ty sẽ mở rộng lĩnh vực đầu tư sang các sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm... và nhất là sữa - thị trường được cho là siêu lợi nhuận, thông qua việc mua lại doanh nghiệp có sẵn.
TIN LIÊN QUAN

 Thị trường sữa đủ lớn cho tay chơi mới

 

Kết thúc năm 2017, lợi nhuận của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận hơn 51.000 tỷ đồng doanh thu và gần 10.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 10% so với năm 2016. So với cách đây 10 năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lớn nhất ngành sản xuất sữa đã tăng hơn 10 lần.

 

Nhưng thị trường sữa thì vẫn rất thơm tho, thậm chí là siêu lợi nhuận, nhất là với những doanh nghiệp có tiềm lực, có hệ thống phân phối như Masan. Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản xuất sữa trong nước mới chỉ đáp ứng hơn 30% nhu cầu, khoảng 70% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh, giá sữa Việt Nam cao… Và 4 năm trước, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng lao vào làm sữa, với tuyên bố đây là ngành mang lại lợi nhuận lớn cho Tập đoàn. Khi đó, Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt của HAGL với số vốn 6.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư và hoàn thành vào năm 2017. Tổng đàn bò thịt và bò sữa dự tính là 236.000 con, với 120.000 bò sữa, 116.000 bò thịt. Ông Đức cũng tính, ngay năm 2015, dự án bò thịt sẽ mang lại  30-50 triệu USD lợi nhuận cho Tập đoàn. Ấy nhưng, dự án này đã trở thành “đầu voi đuôi chuột”.

 

Tuy vậy, ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) lại cho rằng, một số doanh nghiệp đang hiểu sai ngành sữa mang lại lợi nhuận cao. Ở Việt Nam, có khoảng 4 công ty sữa có lợi nhuận tốt nhất. Trong đó, lợi nhuận của Vinamilk đến từ yếu tố khác biệt. Đây là tên tuổi đầu tiên của ngành sữa có mặt trên thị trường từ sau ngày giải phóng, có hơn 40 năm ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Thương hiệu tốt cộng với chi phí quảng cáo, bán hàng thấp nên lợi nhuận Vinamilk cao. 

 

So với làm đồ uống, nước mắm, mỳ gói thì chi phí đầu tư công nghệ của ngành sữa cao hơn nhiều. Bởi sữa nhiều chất đạm, béo, nên điều kiện sản xuất cần những yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất. Nghĩa là từ các loại thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất đến nhà xưởng tiệt trùng, kiểm soát vi sinh đều cần đổ nhiều tiền của. 

 

Năm 2017, doanh thu ngành sữa Việt Nam đã vượt 100.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016 (95.000 tỷ đồng). Trong đó, Vinamilk góp 50% tổng doanh thu toàn ngành. Hai mảng chủ chốt quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành là sữa nước và sữa bột, chiếm gần 3/4 giá trị thị trường. Cụ thể, sữa tươi đạt 1.333,4 triệu lít, tăng 6,6% so với năm 2016; sữa bột đạt 127,4 nghìn tấn, tăng 10,4% so với năm 2016. Dự báo, trong năm 2018 ngành sữa Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 9%.
(Nguồn: Hiệp hội Sữa Việt Nam) 

 

Đó là chưa kể, doanh nghiệp phải đầu tư trang trại. TH true Milk là điển hình trong ngành khi đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập hệ thống trang trại, nhập bò đúng tiêu chuẩn từ Mỹ, Australia, New Zealand… Mỗi con bò cho sản lượng tốt có giá từ 7.000 - 8.000 USD. Thực tế, Việt Nam không có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển bò sữa, nên chăn nuôi vẫn phần lớn trong môi trường nhân tạo. Đồng thời, bò sữa ở các nước ôn đới như Australia có sản lượng và thời gian cho sữa cao hơn hẳn bò sữa ở các nước nhiệt đới như Việt Nam… 

 

Là ngôi sao trên thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam, chắc hẳn Masan cũng nhìn ra những thách thức đó. Song ông Trương Công Thắng cho rằng, ngành sữa lớn, nhiều doanh nghiệp thành công không phải là lý do chính Masan tham gia vào. Masan nhận thấy có cơ hội rất lớn để xây dựng nhãn hiệu mà các doanh nghiệp không phát hiện ra. Tuy nhiên, Masan sẽ cần thời gian 4 năm để phát hiện ra phương thức kinh doanh, cơ hội, nhãn hiệu có thể xây dựng khi tham gia vào ngành này.

 

Nguồn hàng M&A 

 

Với nhiều lợi thế, Masan có quyền nhảy vào bất cứ ngành nào họ muốn và phương án khả thi nhất là M&A - thế mạnh Masan đã chứng minh thành công đáng kể trong thời gian qua. Vậy đâu sẽ là công ty mục tiêu trong ngành sữa lọt vào mắt Masan? 

 

Nhìn cục diện thị trường sữa Việt, hiện không có nhiều công ty để Masan tiến hành M&A. Trong đó, Masan không thể M&A với Vinaimilk, vì “con bò” siêu lợi nhuận này giá rất cao, chỉ có tên tuổi nước ngoài như Thaibev (Thaibev từng chi 4,8 tỷ USD mua Sabeco năm 2017) mới đủ khả năng tham chiến. 

 

Còn TH True Milk của bà chủ Thái Hương từng khẳng định sẽ không bao giờ bán. 

 

Nutifood lại là công ty mạnh về sữa bột, giá trị M&A ước tính cũng lên đến hơn 1 tỷ USD - một mức giá khá cao không dễ M&A. 

 

“Nếu có tên tuổi cùng ngành trên thế giới ngỏ ý mua lại có khi Nutifood còn cân nhắc vì họ sẽ đưa thêm công nghê, kỹ năng nghiên cứu sản phẩm, chiêu thức marketing mới của thế giới, đưa thương hiệu lên”, một chuyên gia trong ngành sữa nhận định. 

 

Còn lại Sữa IDP và Mộc Châu Milk là hai tên tuổi khả thi nhất. Tuy nhiên, ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc IDP khẳng định, IDP không đi vào phân khúc sữa tươi mà làm những sản phẩm sữa cho vị giải khát, trái cây tốt cho sức khoẻ... Còn đại diện Mộc Châu Milk thì cho rằng, nhiều ông lớn muốn M&A, nhưng mua được thì cũng phức tạp. 

 

Hiện, Công ty cổ phần GTNfoods đang nắm 51% vốn tại Mộc Châu Milk. Dự kiến trong thời gian tới, GTNfoods sẽ tăng sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên trên 51% để xây dựng nông trại và nhà máy mới gắn liền với phát triển du lịch... Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, mục đích chính của GTNfoods không chắc thực sự muốn làm sữa, mà nhiều khả năng sau khi thâu tóm xong Mộc Châu Milk sẽ thoái vốn lại cho đối tác để kiếm lời. 

 

Thực tế, Mộc Châu Milk đang sở hữu nhiều lợi thế rất tốt trong ngành mà nhiều ông lớn muốn M&A. Giới chuyên gia nhận định, mô hình chăn nuôi bò theo hộ của Mộc Châu Milk về lâu dài tương đối khả thi, đáp ứng một phần nhu cầu sữa tự nhiên đang ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Công ty này đang làm tương đối tốt khi có mô hình khép kín và vững bền giữ được chất lượng sữa của hơn 600 hộ trang trại chăn nuôi với trên 23.000 con bò. Mục tiêu đến năm 2020, công ty này phải tăng số lượng đàn bò lên tới 35.000 con và đến năm 2030 có thể đạt 70.000 – 100.000 con.  

 

Những lợi thế này và vị thế hiện nay trên thị trường sữa, Mộc Châu Milk được cho là mảnh ghép khả thi nhất để Masan M&A nhằm bơm thêm vốn, xây dựng lại thương hiệu, kinh nghiệm quản trị đặc biệt là khắc phục điểm yếu nhất của Mộc Châu là hệ thống phân phối. Hiện Mộc Châu Milk chưa thể chen chân vào được thị trường miền Nam. 

 

Nếu M&A được, đâu sẽ là miếng bánh của Masan?

 

Trở lại với kế hoạch của Masan. Giả sử Masan có M&A thành công với một công ty nào đó và  nhận thấy có cơ hội rất lớn để xây dựng nhãn hiệu mà các đối thủ không phát hiện ra. Với một thị trường mới nổi như Việt Nam, không khó đoán định, đâu sẽ là con đường đi cho các tên tuổi trong ngành. 

 

Thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng sữa thực vật với các sản phẩm đa dạng như sữa hạt, sữa gạo, sữa dừa… Theo thống kê, các loại đồ uống thay thế sữa động vật chiếm 7% các sản phẩm sữa toàn cầu năm 2016. Thị trường thế giới cho các sản phẩm đồ uống thay thế sữa bò dự báo sẽ đạt 16,3 tỷ USD trong năm 2018, tăng mạnh từ mức 7,4 tỷ USD năm 2010. 

 

Ở Đông Nam Á, tỷ lệ người dân tiêu thụ các loại sữa thực vật của các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia… ngày càng tăng. Không nằm ngoài xu hướng đó, sản phẩm sữa thực vật tại Việt Nam cũng đã nhen nhóm từ cách đây khoảng 20 năm, với sự ra đời của các nhãn hàng sữa đậu nành. Gần đây, thị trường cũng xuất hiện của nhiều dòng sữa thực vật mới, có nguồn gốc từ gạo, bắp, mè đen, sữa dừa, óc chó, hạnh nhân… Đây là minh chứng rõ nét cho sự dịch chuyển lớn trong xu hướng tiêu thụ các sản phẩm sữa và đồ uống hiện nay.

 

Người tiêu dùng Việt đang dần tìm kiếm các sản phẩm phù hợp hơn với lối sống năng động của mình. Họ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đóng gói có lợi cho sức khoẻ, thiết kế nhỏ gọn, tiện dụng khi di chuyển. Nhu cầu của người tiêu dùng khi tìm đến với sữa thực vật không chỉ vì ăn chay hay ăn kiêng, mà còn là tìm kiếm một sản phẩm với nguồn gốc từ nhiên nhiên, tốt cho sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp và có thể hỗ trợ giảm cân. Sữa thực vật với hương vị thơm ngon, nhiều vitamin và khoáng chất cùng những lợi ích cho xương và tim mạch dự đoán sẽ ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.

 

Theo ông Trần Bảo Minh, thời gian giới, quy mô thị trường sữa trong nước vẫn còn nhiều, nhưng sẽ không có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Vì nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, sữa sẽ được nhìn nhận như là thức uống cơ bản như nước, những mẫu quảng cáo hào nhoáng sẽ không còn phù hợp nữa. 

 

Lúc đó, sẽ chỉ còn những thương hiệu uy tín và vững chắc ở lại.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác