Sữa Việt Nam

Mộc Châu, chuyện 55 năm…

Gọi Mộc Châu là vùng đất mới thì không hẳn, bởi địa danh này đã có từ lâu. Nhưng nó thực sự được hồi sinh khi nông trường Mộc Châu lột xác, khi những người chiến sỹ của Trung đoàn 280 thuộc Sư 335 anh hùng làm lễ “hạ sao”, trở thành những người chăn bò thượng thặng…

I. Ông Lê Ngọc Chân, một cựu quân nhân của Trung đoàn 280, vẫn nhớ như in ngày đơn vị của ông được giao nhiệm vụ biến rừng hoang, núi thẳm thành nông trường, nhà máy, đó là những ngày tháng 4 năm 1958.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc chuyển một số đơn vị quân đội tham gia xây dựng kinh tế, Quân khu Tây Bắc giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 280 chuyển về thảo nguyên Mộc Châu với mục tiêu xây dựng nơi đây thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng.

Chăn nuôi bò sữa ở hộ gia đình tại Mộc Châu

Khi đó Trung đoàn trưởng Ngô Huân và Chính ủy Phi Triệu Hàm đã động viên cán bộ chiến sĩ, phổ biến thời gian kế hoạch và cấp cho mỗi cán bộ chiến sĩ 12 kg gạo để lên đường làm nhiệm vụ. Tiếp đó, Nông trường quân đội 280 được thành lập trên cơ sở bộ máy và lực lượng của Trung đoàn 280.

Nhớ lại những buổi đầu ấy, ông Lê Ngọc Chân xúc động: “Hơn nửa thế kỷ trước, mảnh đất này hoang sơ, rừng rậm heo hút, âm u hoang lạnh, vượn hót chim kêu suốt ngày, thú rừng chạy lung tung khắp nơi… Những chiến sĩ chúng tôi đi bộ lên đây gần như với đôi bàn tay trắng, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, ngay cả lương thực để ăn cũng không có”. Giữa thâm sơn cùng cốc, các anh Bộ đội Cụ Hồ lại căng mình để chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt, gây dựng sản xuất, từng bước ổn định đời sống…

Vào đúng thời điểm gian khó nhất ấy, tháng 5/1959, Bác Hồ lên Mộc Châu thăm nông trường và động viên cán bộ, chiến sĩ. Đó chính là động lực to lớn để bộ đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tại đây Bác đã ghi tặng nông trường 16 chữ vàng: “Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng, làm tròn nhiệm vụ”. Bác Hồ đã nói với cán bộ rằng: “Nông trường ít các đồng chí nữ quá” rồi Bác đọc câu thơ: “Công tư vẹn cả đôi bề - Xây dựng Xã hội chủ nghĩa liền kề phu quân”. Bác động viên cán bộ, chiến sĩ đưa cả vợ con, gia đình lên đây để an cư lạc nghiệp.

Sau chuyến thăm của Bác, Trung ương đã huy động hàng trăm lượt nữ thanh niên tình nguyện lên xây dựng nông trường…

Ngày 1/1/1961, hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ của Nông trường Quân đội 280 đã làm lễ “hạ sao”, chính thức chuyển ngành. Ai cũng trăn trở, day dứt vì không còn được đứng trong đội ngũ của cán bộ chiến sĩ trong quân đội nữa, nhưng trong dòng máu của họ vẫn là những sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng từ đây, đơn vị đổi tên thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu để chính thức đi vào hạch toán trong sản xuất, kinh doanh…

Tới năm 1965, năm đầu tiên nông trường kinh doanh có lãi, là bước khởi đầu cho chặng đường phát triển sau này đưa Mộc Châu trở thành một vùng cao nguyên kinh tế nông nghiệp trù phù bậc nhất của Tây Bắc…

II. Hôm nay, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, trong bất cứ một câu chuyện nào, trong lời tâm sự, trong những việc lễ lạt… người ta thường nói về con bò sữa. Bởi bò sữa chính là con “xóa đói giảm nghèo”, mang lại cuộc sống no đủ, thậm chí nhiều người còn trở thành tỷ phú từ vật nuôi này.

Cũng trong câu chuyện con bò sữa, người ta nhắc nhiều đến ông Chiến “bò”, người khởi xướng, tạo đà cho sự trù phú của một miền cao nguyên quanh năm chỉ có mây mù và núi đá. Thực ra, ông là Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu.

Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của Mộc Châu

Với một doanh nhân có tầm ảnh hưởng như ông, gọi đích danh tên Chiến “bò” nghe có phần bất nhã. Nhưng, trong các cuộc nói chuyện, tâm sự, ông đều tự nhận mình là Chiến “bò”, là người chăn bò thứ thiệt. “Với dân chăn bò như chúng tôi, thành công từ đồng cỏ, con bò, tạo ra những dòng sữa trắng là cả một quá trình đầy gian khổ, có mồ hôi, nước mắt, và thậm chí cả máu nữa…”, ông Chiến tâm sự.

Rồi ông Chiến kể rằng, từ năm 1958, các chiến sỹ đánh trận Điện Biên Phủ, các chiến sỹ từ chiến trường Lào về, trong đó có bố ông, đã về Mộc Châu này để làm nên nông trường quân đội và sản xuất. Năm 1959, Bác Hồ lên thăm trại bò Mộc Châu. Bấy giờ, bò chỉ cho sữa từ 4 -7 lít/con/ngày. Bác dặn: Cần phấn đấu làm sao bò sữa ở Mộc Châu cho đủ 17-27 lít sữa/ ngày/con. Đến nay, như con bò “hoa hậu” năm 2008 của Mộc Châu, nó có khả năng cho 75,6 lít sữa mỗi ngày. Một kỷ lục!

Ông Chiến nhớ lại, sau đó, năm 1965, chúng tôi nhập thêm hơn 100 con bò sữa về Ba Vì, rồi đưa lên Mộc Châu. Các bạn Cu-ba giúp ta hơn 800 con bò sữa, cũng đưa về Mộc Châu. Đến năm 2001, chúng tôi nhập bò từ Mỹ về, sau đó đến 700 con bò Úc, chúng đều được nuôi ở trong các hộ gia đình. Bước đột phá của chúng tôi ra đời từ đó. Phải chia bò về trong mỗi hộ gia đình. Nuôi tập thể theo lối cũ là gay go lắm, bởi chính hình thức nuôi này đã khiến phần lớn bò nhập về đều chết, tưởng như mất trắng.

“Lúc mạnh dạn “chia bò về các gia đình”, chúng tôi tâm đắc vì bà con tận tâm tận lực với bò cho nó phát triển, thậm chí khi bò ốm, hai vợ chồng mắc màn ra gần chuồng bò để chăm bẵm, thế nhưng, nhiều người đã viết đơn thư nói là chúng tôi “phá hoại chủ nghĩa xã hội”. Lúc ấy nghĩ cũng hoảng, không biết cái kiểu khoán hộ như Mộc Châu là đúng hay sai? Nhưng rồi cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến giờ thì chúng tôi đã có một đàn bò gần 10.000 con, có hơn 500 hộ chăn nuôi và tôi nghĩ, con số này còn tăng nhanh trong thời gian tới”, ông Chiến nói.

Đúng là chuyện tăng nhanh số lượng bò sữa là yêu cầu bắt buộc, vì thực ra, sữa của Mộc Châu làm ra đâu có đủ bán. Bởi thế, một trung tâm bò cao sản nữa tiếp tục được xây dựng, đi cùng là nhà máy sản xuất thức ăn phối trộn theo công nghệ hiện đại nhất của Hàn Quốc, mà Mộc Châu là nơi đầu tiên của Việt Nam áp dụng. Ông Chiến bảo, đây vừa là bước đột phá trong công nghệ chăn nuôi, vừa là khâu then chốt trong việc nâng cao số lượng bò, sản lượng và chất lượng sữa…

III. Ở Mộc Châu, thế mạnh kinh tế không chỉ nằm ở đàn bò. Nơi đây còn một điểm nhấn nữa là du lịch sinh thái. Có người ví von rằng, nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, cao nguyên Mộc Châu như một cô gái miền sơn cước dịu dàng nền nã bởi tính khí mát mẻ, nhẹ nhàng.

 Với phương thức khoán hộ và mua bảo hiểm cho từng con bò, từng lít sữa để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi khi gặp rủi ro, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã tạo được niềm tin cho người chăn nuôi, giúp họ yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho cộng đồng.

Tuy nhà máy sản xuất sữa, trại chăn nuôi bò, nhà máy chế biến thức ăn của Cty chưa thực sự quy mô và hiện đại nhưng dường như doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi đúng và vững chắc cho mình, tạo được niềm tin cho người công nhân và nông dân.

  Mộc Châu là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80 km, rộng 25 km với 1.600 ha đồng cỏ. Điểm cuốn hút du khách của Mộc Châu chính là khí hậu. Vào mùa hè, nhiệt độ nơi đây trung bình khoảng 20 độ C luôn mang đến cảm giác mát mẻ cho du khách.

Ông Chiến bảo, mong ước của ông là biến Mộc Châu thành một điểm du lịch hấp dẫn. Du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của thảo nguyên xanh, được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất sữa, từ đồng cỏ đến trang trại, rồi nhà máy chế biến… Tựu chung lại là “du lịch bò sữa”

Cứ liên miên tâm sự, rồi đích đến của mọi câu chuyện cũng chỉ là con bò sữa, nơi ông Chiến cũng như những người dân Mộc Châu đặt niềm tin, kỳ vọng và đang được hưởng những thành quả ngọt ngào.

Nguồn: Báo Nông nghiệp
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác