Sữa Việt Nam
Người chăn nuôi bò sữa khó sống với nghề
Gia đình anh Dương Văn Hùng là hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn nhất xã Phượng Cách. Lúc cao điểm, tổng đàn bò sữa của gia đình lên tới hơn 70 con, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 5 – 6 tạ sữa. Tuy nhiên, thời điểm này, gia đình anh chỉ còn hơn 30 con bò sữa, sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 2 tạ sữa.
Chia sẻ về nguyên nhân giảm đàn, anh Hùng nói: Việc chăn nuôi bò sữa hiện ngày càng khó khăn do đơn vị thu mua sữa trên địa bàn liên tục ép giá. Hiện mức giá DN đang thu mua sữa ở địa phương từ 7.000 – 10.200 đồng/kg, tùy vào chất lượng sữa. So với lúc cao điểm, giá sữa đã giảm tới 4.000 đồng/kg. “Hiện chi phí để sản xuất ra 1kg sữa đã là hơn 8.000 đồng/kg. Trong khi đó giá sữa liên tục giảm, thu nhập không ổn định nên việc bán tháo đàn là không tránh khỏi” – anh Hùng giải thích.
Gia đình ông Dương Văn Tập trước cũng nuôi 20 con bò sữa nhưng từ ngày sữa xuống giá gia đình ông cũng bán dần đàn. Hiện trong chuồng chỉ còn 9 con bò sữa. Với giá sữa thấp như hiện nay, 2 vợ chồng ông lao động cật lực cả ngày thu nhập cũng chỉ được 100.000 đồng/ngày. Ông Tập dự định, từ nay đến hết năm sẽ bán toàn bộ đàn bò sữa để chuyển đổi sang chăn nuôi bò thịt.
Lý giải đàn bò sữa giảm mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Cách Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, nguyên nhân chính là chăn nuôi trên địa bàn xã còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công theo quy mô hộ gia đình nên năng suất, chất lượng vật nuôi còn hạn chế, dẫn tới chất lượng sữa không cao. Mặt khác, do giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá thu mua sữa nguyên liệu giảm, người chăn nuôi không có lãi, nhiều hộ đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Thời kỳ phát triển nhất, tổng đàn bò sữa trên địa bàn xã là hơn 300 con, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 2 tấn sữa. Nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 100 con, mỗi ngày cung cấp cho đơn vị thu mua từ 6 – 7 tạ sữa.
Nếu tình hình giá sữa vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay thì chỉ một vài năm nữa là các hộ dân xã Phượng Cách sẽ bỏ hoàn toàn chăn nuôi bò sữa. Do đó rất cần các cấp, ngành vào cuộc có giải pháp giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa, từ đó đẩy giá sữa lên, giúp người dân thoát nghèo.