Sữa Việt Nam
Những “ong thợ” trên cao nguyên Mộc Châu
Tình yêu với bò sữa
Từ những năm 1958, sau ngày giải phóng Điện Biên, những người con ưu tú được Đảng, Nhà nước vận động lên làm kinh tế, mở mang phát triển vùng Tây Bắc. Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La) trở thành một mô hình kinh tế Hợp tác xã mà nhiều nơi phải noi theo. Trong đó, những người chăn nuôi bò sữa trở thành một mắt xích không thể thiếu trong quá trình phát triển một trong năm vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của quốc gia.
Không dễ để đạt được điều đó, chỉ có sự chăm chỉ, cần mẫn bất kể nắng mưa, gió rét họ vẫn ngày ngày chăm sóc đàn bò để mang đến những dòng sữa mát lành. Ngay cả những ngày Tết đến, xuân về, là mỗi dịp để người người, nhà nhà nghỉ ngơi, dành thời gian sum họp, sẻ chia tâm tư tình cảm sau một năm lao động vất vả, cùng chúc nhau những điều may mắn và hy vọng về một năm mới với những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, trong những niềm vui sum họp đó có những con người vui đón Tết mà vẫn phải làm những công việc thường nhật bằng tình yêu với nghề.
Gia đình anh Đặng Văn Hoàng, ở tiểu khu 85 (thị trấn Nông Trường Mộc Châu, Sơn La) là một trong những gia đình như vậy. Những ngày giáp Tết, mọi người trong gia đình đã xum họp và cùng nhau chuẩn bị, mỗi người một việc, làm sao để nhà cửa thật đẹp và lộng lẫy; không khí chuẩn bị tất bật, nhìn khuôn mặt ai cũng hiện lên một niềm vui háo hức mong đón chờ năm mới, nhưng ít ai biết rằng những người chăn nuôi bò sữa như gia đình anh Hoàng đều không được nghỉ tết. Hơn chục năm qua, kể từ ngày phát triển đàn bò sữa từ vài con đến nay đã có hơn cả trăm con bò sữa nuôi trong các trại hàng nghìn m2. Mỗi năm, đàn bò tăng dần nên việc chăm sóc đàn bò vào dịp Tết càng phải chu đáo hơn.
Anh Hoàng cho biết, để có được dòng sữa đảm bảo chất lượng, thì thức ăn cho bò là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đảm bảo thức ăn vào dịp Tết gia đình anh Hoàng đã phải chuẩn bị, dự trữ sẵn thức ăn ủ ướp và thức ăn hỗn hợp TMR nhưng để bò có sữa nhiều hơn và không phải ăn mãi thức ăn khô, gia đình Hoàng vẫn phải đi cắt cỏ tươi cho bò ăn. Ngoài ra, thức ăn cho bò lúc nào cũng phải đầy đủ, sẵn sàng, trong máng luôn phải có sẵn thức ăn vì bò ăn tự do và nghỉ tự do.
Trang trại nhà anh nhỏ nhưng cũng phải thuê 4,5 công nhân để chăm sóc dọn dẹp thường ngày. Chính vì thế, việc chăm sóc đàn bò trong dịp Tết cũng trở nên khó khăn hơn khi công nhân đều nghỉ hết, gia đình phải tự chủ động, tự làm hết mọi công việc chăm sóc đàn bò, từ việc cho bò ăn, dọn dẹp chuồng trại, vắt sữa, đưa sữa…
Cũng may mắn bởi giờ đây chuồng trại đã được làm theo mô hình mới, hiện đại hơn, quy mô hợp lý nên việc sử dụng lao động không đáng lo ngại như trước. Đơn giản như việc cho bò ăn, trước kia vì quy mô nhỏ, các vật dụng còn thô sơ nên phải bê thức ăn, lấy ít một đổ vào từng máng cho bò, làm mất khá nhiều thời gian, còn bây giờ mỗi lần cho bò ăn thì chỉ cần mất khoảng 15-20 phút là đã hoàn thành. Bởi hố ủ thức ăn đã được xây ngay sát gần chuồng nên chỉ cần lấy thức ăn một lần thì bò có thể ăn cả ngày.
Cũng là một khâu quan trọng bởi đàn bò sữa hàng trăm con của gia đình anh Hoàng một ngày cho ra khoảng 6-7 tạ sữa. Việc vắt sữa bò không dùng thủ công bằng tay mà đều được sử dụng máy để vắt nên rất tiết kiệm thời gian và công sức, lượng sữa vắt ra được nhiều hơn mà chất lượng lại thêm phần đảm bảo. Tuy nhiên, sữa là một mặt hàng khó tính, rất dễ hư hỏng, không phải bán lúc nào, nơi nào cũng được. Bởi việc kiểm định chất lượng sữa của nhà máy rất gắt gao. Sữa sau khi vắt ra cần phải nhanh chóng được đưa đến Công ty để họ kiểm tra nếu phát hiện sữa không đạt tiêu chuẩn thì lập tức số sữa đó sẽ bị hủy ngay, công sức cả ngày coi như bỏ đi.
“Mất” Tết để có dòng sữa mát lành
Anh Hoàng bảo rằng, nếu mọi việc cứ diễn ra bình thường như vậy thì gia đình có thời gian đi thăm bạn bè, người thân. Nhưng vất vả nhất có lẽ là khi có những con bò trở dạ. Khó có thể xác định chính xác được giờ đẻ của bò, lúc thì có thể đẻ ngày, lúc lại đẻ đêm nên gia đình luôn phải có sổ để theo dõi. Bò sữa lại không như bò ta, vì được nuôi theo kiểu công nghiệp, không được tự do, sức đề kháng của bò sữa cũng yếu hơn nên khi trở dạ có thể sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Mọi việc đều phải làm tỉ mỉ và cẩn thận để có thể giúp bò đẻ thành công.
“Năm 2013, theo sổ ghi chép thì có đến 5, 6 con bò đến ngày trở dạ, gia đình huy động tới 4 người luôn túc trực, đỡ đẻ mà công nhân thì đã nghỉ hết. Bình thường thì thời gian đẻ của bò tính từ khi trở dạ đến lúc đẻ xong rơi vào khoảng 15-20 phút, nhưng nhiều con khó đẻ thì thời gian kéo dài hàng giờ liền, những lúc quan trọng như thế mà không có người can thiệp thì coi như mất cả bò cả bê. Năm đấy, cả gia đình 4 người túc trực bên đàn bò cả đêm giao thừa, cả ngày mồng 1. Dù Tết đó không có thời gian đi thăm bạn bè nhưng lại là niềm vui lớn của gia đình”,anh Hoàng kể.
Việc chăm sóc đàn bò khiến nhiều gia đình cao nguyên Mộc Châu không được nghỉ ngơi, không có thời gian thảnh thơi để cùng vợ con đi chơi, thăm anh em hàng xóm, du xuân… nhưng với tình yêu và sự gắn bó với công việc trong ánh mắt của anh Hoàng, những gia đình chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên này vẫn luôn hiện lên một niềm vui khó diễn tả.
Phải làm việc trong những ngày Tết, mỗi người đều có lý do riêng nhưng với anh Đặng Văn Hoàng và những người chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, họ luôn tự hào và hạnh phúc khi là những người tạo ra dòng sữa mát lành trên thảo nguyên xanh.
Mai Huyền