Sữa Việt Nam

Nỗ lực phát triển đàn bò sữa

Mục tiêu phát triển đàn bò sữa trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu đã được xác định và các doanh nghiệp đang nỗ lực để thực hiện, dù thực tế gặp không ít khó khăn.

 

Theo số liệu thống kê, mức tiêu thụ sữa của người Việt hiện nay chỉ khoảng 15  lít/người/năm, khá thấp so với 30 lít của Thái Lan, trên 40 lít của Singapore và 45 lít của Ấn Độ. Nhu cầu đối với sản phẩm sữa tươi nguyên chất ngày càng tăng, nhưng việc đáp ứng nhu cầu thị trường không dễ dàng do các nhà sản xuất sữa thiếu nguyên liệu.

Từ năm 2010, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 3399/QĐ-BCT quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu năm 2015 cả nước tiêu thụ sữa đạt trung bình 21 lít/người/năm; sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít, đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng. Năm 2020, đàn bò sữa sẽ đạt 200.000 con, tiêu thụ sữa đạt bình quân 27 lít/người/năm, sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỉ lít, đáp ứng 38% nhu cầu và đến năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ tự cung cấp nguyên liệu trong nước là 40%.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước như Vinamilk, TH Milk... đã tích cực nhập bò sữa, tăng cường chủ động nguồn sữa tươi. Đến nay, đàn bò sữa cả nước đạt 160.000 con, lượng sữa tươi nguyên liệu đáp ứng được 25% nhu cầu tiêu dùng.

 

 

Mô hình hợp tác công tư

 

 

Để tăng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đầu vào, một trong những mô hình mà các công ty sản xuất sữa tại VN đang đẩy mạnh là đầu tư mở rộng hợp tác với nông dân, nhằm phát triển ngành chăn nuôi bò sữa bền vững, giúp nông dân kiểm soát được chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận, đảm bảo chất lượng ổn định cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu mua. Song song với việc chú trọng công tác hỗ trợ kỹ thuật về việc xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò, sản xuất sữa đạt chất lượng cao..., một số DN như Công ty Friesland Campina VN còn đầu tư các bồn lạnh gần nông trại để tiết kiệm chi phí vận chuyển sữa cho nông dân; các điểm thu mua đều được trang bị hệ thống tự động hóa cập nhật số liệu về giao nhận sữa, lấy mẫu phân tích và tính toán giá mua sữa tươi...

Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP với thương hiệu sữa tươi Ba Vì, Love’in Farm cũng hỗ trợ tài chính để xây dựng những nông trại bò sữa đạt chuẩn về chuồng trại, con giống, tập huấn về quy trình chăm sóc, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và cam kết thu mua sữa từ những nông trại này để nông dân yên tâm và chuyên tâm chăn nuôi bò sữa.

Công ty Vinamilk tiếp tục triển khai 2 trang trại bò sữa hiện đại tại Thanh Hóa và Tây Ninh. Hiện Vinamilk đang tự túc khoảng 27 - 28% nguyên liệu sản xuất của mình và từng bước đầu tư mở rộng đàn bò nhằm nâng nguyên liệu nội lên 50% vào năm 2017.

Ông Lưu Văn Tân, Giám đốc chương trình phát triển ngành sữa Công ty Friesland Campina VN, trăn trở: “Chúng tôi đề ra chương trình phát triển đàn bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu tốt, đáp ứng nhu cầu sữa tươi nguyên chất ngày càng tăng của thị trường. Tuy nhiên, với những hạn chế kéo dài như thiếu đất, thiếu chính sách hỗ trợ, việc gia tăng đàn bò sữa còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương của các địa phương. Nếu hợp tác công tư tốt thì đàn bò sữa chắc chắn sẽ tăng nhanh”. Phương thức hợp tác công tư, theo ông Tân là chính quyền, UBND tỉnh, các sở NN-PTNT địa phương hợp tác cùng DN để phát triển đàn bò sữa. Trong đó, địa phương cần quy hoạch quỹ đất thực hiện dự án chăn nuôi, ban hành các chính sách, quy định trong chuỗi sản xuất sữa, xây dựng cơ sở hạ tầng; DN đầu tư thiết lập hệ thống thu mua, hệ thống kiểm soát và bảo đảm chất lượng, bảo đảm đầu ra, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tìm nguồn vay ưu đãi...

Đại diện Công ty Vinamilk cũng kiến nghị: “Một trong những khó khăn lớn nhất trong phát triển ngành chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng là chính sách đất đai. Trong quy hoạch sử dụng đất đai cần phải đưa diện tích đất chăn nuôi vào để các địa phương và DN có thể mạnh dạn đầu tư, còn hiện tại các DN sữa vẫn phải tự bơi”.

 

Nguồn: baoquangtri.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác