Chỉ riêng tại huyện Củ Chi, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn sữa bò tươi. Tuy nhiên, hiện nay, Vinamilk và Friesland Campina VietNam đã không thu mua sản phẩm vì lý do số lượng sữa quá hợp đồng, hoặc sữa không đạt chất lượng.
Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội nông dân TPHCM cho rằng, việc các công ty sữa cắt hợp đồng khiến nông dân điêu đứng
Huyện Củ Chi đang có 322 hộ không bán được sữa, trong đó có 200 hộ bị cắt hợp đồng và 122 hộ phát sinh. Đối với những hộ nuôi dưới 10 con bò sữa, do không đủ lượng số lượng để ký hợp đồng với đơn vị thu mua nên họ phải gửi vào các hộ được ký hợp đồng để tiêu thụ. Khi bị phát hiện, đơn vị thu mua đã cắt hợp đồng, khiến các hộ này không bán được cho ai. Không bán được sữa, hàng trăm hộ nông dân nuôi bò sữa tại TP HCM đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều hộ đã rao bán đàn bò với giá rẻ mà không có ai mua.
Tại cuộc họp sáng nay, đại diện Công ty Friesland Campina VietNam cho rằng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời dự họp quá gấp nên lãnh đạo Công ty chưa chuẩn bị kịp chương trình và không phát biểu ý kiến. Đại diện đơn vị sẽ báo cáo lại lãnh đạo về nội dung cuộc họp này.
Còn ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển nguyên liệu của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Công ty không ép người nông dân mà chỉ làm theo Hợp đồng đã ký kết: “Vinamilk chưa bao giờ từ chối thu mua sữa đối với những hộ nông dân mới nuôi bò. Chỉ yêu cầu những hộ nông dân khi bắt đầu triển khai nuôi bò sữa, phải đăng ký với những điểm thu mua sữa để được hướng dẫn về chuồng trại, kỹ thuật. Yêu cầu nông dân bán sữa cho Vinamilk phải có giấy khám sức khỏe, gọi là thẻ xanh”.
Hiện nay, tổng đàn bò sữa tại TP HCM gần 100.000 con, trong đó có 48.000 con đang trong thời kỳ vắt sữa. Năng suất bình quân mỗi năm đạt hơn 5.800 kg sữa/con. Hai Công ty tiêu thụ sữa lớn tại thành phố là Vinamilk và Friesland Campina VietNam. Mức giá sữa bò tươi được hai đơn vị này thu mua từ 8.500 đến 13.600 đồng/kg./.