Sữa Việt Nam

Nữ đảng viên gặt hái thành công nhờ hướng đi mới trong chăn nuôi bò sữa

Với nông dân Hà Nam, chăn nuôi bò sữa được xem là nghề mới, nhưng chế biến sữa bò tươi lại là một nghề mới hơn. Vì trước đó, toàn bộ sản phẩm sữa tươi đều được xuất bán cho các doanh nghiệp như: Vinamilk, Friesland Campina Hà Nam. Vẫn biết làm được việc chế biến sữa tươi thành sản phẩm ngay tại quê hương là không dễ, tuy nhiên bằng ý chí, nghị lực, nữ đảng viên Nguyễn Thị Thịnh (xã Trác Văn, Duy Tiên) đã dám nghĩ, dám làm và làm được điều đó. Thành công của người đảng viên này, đã mở ra hướng đi mới cho nghề chế biến sữa bò tươi tại địa phương.

 Khởi đầu với trang trại nuôi 13 con bò sữa vào năm 2015 tại Khu chăn nuôi bò sữa tập trung của xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên), sau chưa đầy nửa năm đàn bò sữa của chị Nguyễn Thị Thịnh đã tăng lên 20 con. Chị Thịnh chia sẻ: Việc đầu tư chăn nuôi bò sữa như là cái duyên đến đúng lúc hai vợ chồng tôi đang muốn tìm một hướng đi phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu tôi thấy, dự án chăn nuôi bò sữa của tỉnh triển khai sẽ hứa hẹn đem lại hướng phát triển mới, hiệu quả trên chính đồng đất quê hương nên vợ chồng tôi đã đồng thuận để làm. 

 

“Vạn sự khởi đầu nan”, với chị Thịnh buổi ban đầu như thế đã là thành công. Tuy nhiên, khi càng đi sâu vào nghề chị Thịnh mới nhận ra “đường đi không hề bằng phẳng” như suy nghĩ ban đầu. Bò sữa vốn là con nuôi của vùng ôn đới, đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là lại mới được nuôi trên địa bàn tỉnh cần có thời gian để thích nghi. Về phía người nuôi phải thật sự cố gắng, tâm huyết và có thời gian để nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, phát hiện phòng trị bệnh cho bò sữa… Đặc biệt, khâu quan trọng nhất là tiêu thụ sữa bò tươi thời gian đầu bị vướng do doanh nghiệp thu mua không mở mã cho các hộ nuôi mới. Sữa bò tươi sản xuất ra chị phải gửi nhờ vào các hộ đã có mã để bán. Nhưng việc gửi bán không được lâu do các hộ sợ nhà máy phát hiện và nếu chất lượng sữa không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến cả lô sản phẩm của gia đình xuất bán cho doanh nghiệp. Sữa bò tươi không bán được, chị Thịnh đành bán lẻ cho người dân có nhu cầu, nhưng cao nhất cũng chỉ bán được 50 lít trong tổng số 200 lít/ngày. Cũng có ngày sữa phải đổ bỏ đi vì không thể bán được. Sữa không bán được đồng nghĩa với việc chị Thịnh phải tính toán cắt giảm lượng thức ăn của bò sữa, chủ yếu là cám công nghiệp. Lúc này phát hiện ra sữa bò khi không sử dụng thức ăn công nghiệp có hương vị thơm, ngon hơn. 

 

Từ phát hiện mới, chị bàn với chồng để chuyển hướng sản xuất theo quy trình hữu cơ và tự chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi trong chính trang trại của gia đình. Đam mê với nghề mới chị đã từ bỏ mơ ước trở thành cán bộ công chức nhà nước (lúc này chị đang làm hợp đồng cho một cơ quan thuộc Huyện ủy Duy Tiên) để về nhà trực tiếp sản xuất. Song khó khăn vẫn còn đeo bám chị, khi năm 2018, sự cố rò điện ở chuồng nuôi đã làm chết 18 trong tổng số 33 con bò sữa. Nhưng với quyết tâm và lòng nhiệt huyết của một đảng viên trẻ đã giúp chị đứng vững và tiếp tục vươn lên không để mất thành quả đã đạt được. Chỉ 3 tháng sau, chị đã khôi phục lại đàn bò sữa bảo đảm nguồn sữa nguyên liệu cho chế biến.

 

Chị Thịnh cho biết: Quyết định chuyển đổi cả công việc và hướng chăn nuôi bò sữa chính là quyết định khó khăn nhất, nhưng đó lại là bước ngoặt, tạo nên sự phát triển tiếp theo của trang trại. Rất mừng cho tới nay với tôi đây là quyết định chính xác!

 

Từ ý tưởng và quyết tâm chuyển hướng sang chăn nuôi bò sữa theo phương pháp hữu cơ, chị Thịnh đã bắt tay gây dựng trang trại Mục Đồng. Quy trình sản xuất được thay đổi hoàn toàn bằng việc loại bỏ thức ăn công nghiệp, chuyển sang dùng thức ăn tinh được chế biến từ ngô, đậu tương sản xuất theo quy trình an toàn. Thức ăn xanh được tăng cường nhiều loại cỏ và ủ chua giúp bò ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa, hấp thụ tốt hơn. Theo chị Thịnh, trang trại Mục Đồng đề ra tiêu chuẩn “6 không” cho sản phẩm được chế biến từ sữa bò tươi của mình: Không chất kháng sinh, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thức ăn công nghiệp, không hoóc môn tăng trưởng, không chất bảo quản, không hương liệu công nghiệp. 

 

Thời gian đầu, lượng sữa bò tươi của trang trại một phần xuất bán cho doanh nghiệp thu mua (sau khi được cấp mã), phần còn lại chị Thịnh chế biến thành các sản phẩm sữa chua, sữa thanh trùng bán ra thị trường. Do bò được nuôi theo phương pháp hữu cơ nên năng suất sữa giảm 20% làm đội giá thành sản phẩm. Vì thế, chị Thịnh tự đi tìm thị trường và thị trường chị hướng đến là phân khúc cho người có thu nhập cao. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, năm 2017 chị đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại phục vụ chế biến sữa với nhiều loại sản phẩm. Hiện Mục Đồng sản xuất, chế biến được 7 sản phẩm từ sữa bò tươi gồm: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua nguyên kem, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm, sữa chua dê… Đã có 2 sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của trang trại được công nhận OCOP,  xếp hạng  4 sao cấp tỉnh. Mỗi ngày lượng sản phẩm đưa ra thị trường tương đương 400 lít sữa tươi nguyên liệu. 

 

Vào giai đoạn mùa hè, nhu cầu sữa tăng cao, trang trại Mục Đồng còn giúp tiêu thụ sữa nguyên liệu cho các hộ khác có cùng quy trình chăn nuôi. Giá trị sản phẩm được tăng lên nhiều so với bán sữa thô cho nhà máy. Đơn cử như sữa tươi thanh trùng đang bán đến tay người tiêu dùng với giá 50 nghìn đồng/lít, trong khi bán sữa nguyên liệu cho doanh nghiệp chỉ đạt 14 nghìn đồng/lít. 

 

Cùng với đàn bò sữa, chị mạnh dạn phát triển thêm đàn dê lấy sữa phục vụ cho sản xuất sản phẩm mới. Để quảng bá và mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm, Mục Đồng xây dựng trang trại là điểm du lịch trải nghiệm, để du khách đến tham quan tận mắt thấy quy trình sản xuất sữa hữu cơ. 

 

Từ  cách làm của đảng viên Nguyễn Thị Thịnh theo hướng chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn đã mở ra hướng đi mới cho phát triển đàn bò sữa. Một số trang trại của thị xã Duy Tiên cũng đã áp dụng chăn nuôi bò sữa an toàn và chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi cung cấp ra thị trường. Hiện nay, thị xã Duy Tiên cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh có được các cơ sở, doanh nghiệp chế biến sữa bò tươi với các thương hiệu: Hanamilk, MocBacMilk. Sản phẩm từ sữa bò tươi của Duy Tiên đã có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị lớn trong cả nước. Đây là dòng sản phẩm có đến 8 sản phẩm đã được công nhận OCOP, xếp hạng 4 sao cấp tỉnh.

 

Chị Thịnh chia sẻ: Để thành công, điều quan trọng nhất là mình phải dồn toàn bộ sự đam mê, tâm huyết, trí tuệ và thời gian cho chăn nuôi, chế biến và luôn coi mỗi sản phẩm chính là “con đẻ” của mình!

 

Nhận xét về đảng viên Nguyễn Thị Thịnh, ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Chị Thịnh đã nêu cao vai trò của người đảng viên dám nghĩ, dám làm và đã thành công với nghề chế biến sữa bò tươi. Chị đã được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Tin rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn, chắc chắn chị Thịnh sẽ tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Mạnh Hùng

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác