Sữa Việt Nam

Nuôi bò sữa ở Tp.HCM cần 'chất' hơn 'lượng'

Hoạt động nuôi bò sữa ở Tp.HCM đang hướng nhiều đến việc nâng “chất”, giảm “lượng”, tạo đầu ra ổn định. Trong đó, các HTX đóng vai trò đầu mối kết nối các hộ chăn nuôi tham gia vào các chuỗi cung ứng ngành sữa.

 Là huyện có đàn bò sữa lớn nhất Tp.HCM với khoảng 65.000 con, trong năm 2020 này, huyện Củ Chi có định hướng sẽ giảm xuống còn khoảng 50.000 con.

 

Theo đó, sẽ giảm số lượng bò cái vắt sữa và tập trung phát triển đàn bò giống để cung cấp cho các vùng chăn nuôi khác. Những con bò cho năng suất dưới 15 kg sữa/ngày sẽ cho thanh lý, hoặc sử dụng làm bò cái nền, phối giống với bò thịt cao sản để tạo ra bò thịt có giá trị cao.

 

Giảm đàn bò sữa

 

Như ở xã Tân Thạnh Đông - xã có sản lượng bò sữa nhiều nhất huyện Củ Chi, so với cách đây khoảng 3 năm thì đàn bò sữa trong xã đã giảm khoảng 2.000 con, hiện tổng đàn bò của xã là hơn 17.800 con, trong đó phần lớn là bò sữa. Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt nên dù giảm về số lượng nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm sữa được nâng cao.

 

Không chỉ tại Củ Chi, hướng đi hiện nay của những quận, huyện có nhiều hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp đang nuôi bò sữa ở Tp.HCM như huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 là giảm số lượng đàn bò sữa và chú trọng đến chất lượng nhằm ổn định đầu ra.

 

Việc bán đấu giá bò sữa giống hoặc bò sữa không đạt yêu cầu cũng được một số đơn vị thực hiện. Như hồi tháng 2/2020, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đã bán đấu giá 15 con bò sữa không đạt yêu cầu, kém chất lượng; bán đấu giá 5 con bò sữa giống của Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) với giá khởi điểm là 140.000 đồng/kg thịt hơi.

 

HTX này thời gian qua đã tham gia vào 3 khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm sữa. Từ cách đây khoảng 10 năm, HTX đã trực tiếp ký hợp đồng với nhiều “ông lớn” trong ngành sữa. Để nâng cao chất lượng bò sữa và có đầu ra tương đối khả quan hơn, HTX Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) vẫn đang được ngành nuôi bò sữa ở Tp.HCM kỳ vọng rất nhiều.

 

Rồi đến năm 2017, HTX Tân Thông Hội còn có một bước tiến lớn là đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi chuyên sản xuất sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống… cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng với nhãn hiệu “Sữa bò tươi Củ Chi - Củ Chi Milk”.

 

Tuy vậy, dù có thương hiệu riêng nhưng việc tìm đầu ra ổn định cho nhà máy sữa của HTX này với công suất chế biến được thiết kế 25 - 30 tấn/ngày cho đến nay vẫn là một thách thức rất lớn. Nhất là khi khả năng tiêu thụ còn chậm, chưa kể thị trường sữa ở Tp.HCM và các địa phương có quá nhiều sự cạnh tranh khắc nghiệt.

 

“Đầu mối” HTX

 

Nhưng nếu nhìn lại vài năm trước thì có thể thấy rằng HTX Tân Thông Hội có nhiều cách làm hay để mang lại hiệu quả cho các thành viên. Chẳng hạn như tổ chức đàm phán với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sữa có uy tín để ký kết hợp đồng cung ứng sữa tươi. HTX sẽ chịu trách nhiệm với các đơn vị trên về chất lượng sữa, sản lượng sữa và các điều khoản trong hợp đồng.

 

Và để đạt yêu cầu về mặt chất lượng, HTX đã xây dựng phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng sữa, góp phần đảm bảo kiểm soát chất lượng sữa và bảo vệ lợi ích chính đáng cho thành viên và người nông dân. Điều này giúp số mẫu sữa đạt chuẩn trên 95%.

 

Mặt khác, HTX Tân Thông Hội còn thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào như: cung cấp thức ăn gia súc, hèm bia, xác mì với giá bán thấp hơn so với bên ngoài nhằm giúp người nông dân nuôi bò sữa trong huyện Củ Chi giảm giá thành, nâng cao thu nhập.


Hồi năm ngoái, gần 3 tỷ đồng đã được Tp.HCM phê duyệt dùng làm kinh phí hỗ trợ cho Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa với việc mua sắm các máy móc, thiết bị các loại như máy trộn thức ăn tổng hợp TMR, máy băm thái cỏ, máy vắt sữa, hệ thống làm mát chuồng trại, bình nhôm chứa sữa…
Trong mục tiêu giảm “lượng” và nâng “chất” bò sữa, một thống kê cho thấy đàn bò sữa ở Tp.HCM đã giảm khoảng 35% so với cách đây 6 năm. Chính quyền thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị cho hộ nuôi bò sữa có quy mô từ 20 con trở lên.

 

Theo giới chuyên gia trong ngành bò sữa, song song với việc nâng “chất” và giảm “lượng” trong hoạt động nuôi bò sữa ở Tp.HCM thì rất cần xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Trong đó, các HTX đóng vai trò là “đầu mối” kết nối các hộ chăn nuôi tham gia vào các chuỗi cung ứng ngành sữa.

 

 Thanh Loan

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác