Sữa Việt Nam
Nuôi bò sữa không dễ ăn hay câu chuyện đằng sau các đại gia nông nghiệp
Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đều có chung quan điểm yếu tố không thể thiếu khi nuôi bò sữa là đồng cỏ. Diện tích đất càng lớn, trồng cỏ càng nhiều, càng đưa đến lợi thế tiết giảm giá thành. Về mặt này, như HAGL khẳng định, họ đang sở hữu đến 100.000ha đất nông nghiệp.
Ngoài ra, HAGL còn có sẵn 30.000ha đất nữa, sẵn sàng để trồng cỏ, có một lượng thức ăn cho bò khổng lồ chưa khai thác bao gồm đọt mía, mật mía, thân cây bắp, thân và bã cọ dầu. “Thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất sữa, các doanh nghiệp khác tốn hơn 70% chi phí mua thức ăn cho bò, còn HAGL hoàn toàn không tốn một đồng nào cả!”, bầu Đức tiếp.
Sữa đang là ngành
kinh doanh cho lợi nhuận cao. Ảnh: Lê Quang Nhật
Bò chỉ ăn cỏ, bắp, dầu cọ, rỉ mật…?
Cách tính giá thành nuôi bò sữa, như lời ông Đức nói “được tư vấn bởi các chuyên gia Israel”, nghe có vẻ quá dễ. Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm nuôi bò sữa quy mô trang trại kiểu Israel hàng chục năm nay, ông L, phụ trách vùng nguyên liệu của một đại gia sữa trong nước lại khẳng định: tuy thức ăn chiếm tới 70% chi phí sản xuất sữa, nhưng nếu chỉ hiểu một cách đơn giản như vậy là hoàn toàn sai.
Bởi con bò sữa, theo ông L, là vật nuôi cao cấp. Sữa bò dùng cho người nên dinh dưỡng cho bò cũng tương tự như người. Bò ăn gì thì cho ra sữa đó. Không thể có dòng sữa tốt, đủ thành phần dinh dưỡng nếu chỉ cho bò ăn cỏ, bắp, đọt mía, mật mía, thân cây bắp, thân và bã cọ dầu…
Do vậy, trong chăn nuôi bò sữa, ngoài thành phần thức ăn cần thiết, còn phải bổ sung thêm các chất đạm, chất khoáng, vitamin… mới có thể sản xuất ra nguồn sữa tốt nhất. Với giá thị trường hiện nay, ông L nhẩm tính thành phần thức ăn xanh, thức ăn thô chỉ chiếm tối đa 25% chi phí trong tỷ lệ 70% nói trên, còn lại những thứ bổ sung vào mới là đắt tiền.
Một nguồn tin cho biết, có đại gia ngành sữa ở Việt Nam nuôi bò từ năm 2007, đầu tư hàng trăm triệu USD nhập bò giống, thiết bị chuồng trại, áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại bậc nhất thế giới nhưng vẫn chịu lỗ năm năm ròng. Nguyên nhân là do các chi phí đầu tư phần “cứng” quá lớn, lợi nhuận thu được từ tiền bán sữa không đủ khấu hao. Do đó, việc HAGL, một đại gia “tay ngang” từ bất động sản chuyển sang nuôi bò sữa,
thậm chí cả một đơn vị tham gia liên kết trong dự án này mạnh miệng tuyên bố “dự án gần như không có rủi ro” và chắc chắn, giá sữa sẽ “rất cạnh tranh”, có lẽ phải cần có thời gian chứng minh.
Thử hạch toán, thấy… lỗ
Trên thế giới hiện nay, ngoại trừ Úc, Mỹ, Brazil và một số ít nước có thể tự túc được trong toàn chuỗi hậu cần nuôi bò sữa, còn lại chỉ mới tự chủ được vài cung đoạn.
Chẳng hạn như Việt Nam, nông dân và một số đại gia nuôi bò sữa hiện đang phải nhập gần như hầu hết các cung đoạn, từ giống cỏ cao sản mulato của Úc, thuốc thú y, các chất dinh dưỡng, khoáng, một số loại thức ăn như bắp, đậu tương… cho đến thiết bị chuồng trại, kỹ thuật nuôi, công nghệ của Thuỵ Điển, Đức, Israel hoặc Mỹ.
Ngay cả con giống bò cũng phải nhập của Úc, Mỹ. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn các khâu nuôi bò nên chắc chắn, giá thành sản xuất sữa phải cao chứ không thể nào thấp được. Giá thành sản xuất sữa ở Úc, Mỹ, Brazil vào khoảng 0,22 – 0,3 USD/kg, còn Việt Nam thì gấp đôi.
Trong các dự án nuôi bò sữa của HAGL hay một số đại gia trong ngành sữa đã, đang đầu tư, ngoài việc công bố một vài lợi thế về thức ăn, đồng cỏ, đất đai ra thì những thông tin về chi phí nhập bò giống, thiết bị chuồng trại và công nghệ kỹ thuật rất ít được minh bạch hoá. Trong khi, các khâu này thường chiếm khoảng 30 – 40% giá thành sữa.
Một số đại gia như Vinamilk, TH true Milk từng nhập giống bò đang mang thai từ Úc về đến cảng có giá khoảng 3.000 – 4.000 USD/con tuỳ chất lượng. Ngoài chi phí nhập bò giống, ông L còn tiết lộ phải cần thêm 4.000 USD để nhập các thiết bị chăn nuôi đi kèm. Như vậy, tổng vốn đầu tư phần “cứng” cho một con bò sữa nuôi theo mô hình công nghệ hiện đại, ít nhất phải là 9.000 USD, tương đương gần 190.000 triệu đồng.
Nuôi quy mô lớn, nguồn thức ăn và kỹ thuật nuôi dưỡng tương đương nước ngoài nên vòng đời một con bò sữa nhập về có thể khai thác ba chu kỳ sữa (sáu năm) khoảng 21.000 lít sữa và thu thêm được tối đa hai con bê giống. Lấy giá sữa trung bình hiện nay đang ở mức 14.000 đồng/lít, thì riêng tiền bán sữa sẽ có 294.000 triệu đồng.
Trừ chi phí giá thành bỏ ra hàng ngày gồm thức ăn, nhân công (chưa tính giá trị bò giống, thiết bị chuồng trại)… khoảng 80%, lợi nhuận ròng từ tiền bán sữa còn lại là 58 triệu đồng. Cộng thêm trị giá hai con bê giống khoảng 90 triệu đồng thì ra tổng lợi nhuận của một con bò sữa khai thác trong quãng thời gian sáu năm chỉ còn 148 triệu đồng. Như vậy, vẫn âm 42 triệu đồng so với chi phí đầu tư ban đầu 190.000 triệu đồng để nhập con giống và thiết bị chăn nuôi.
Lãi ở khâu chế biến, lưu thông
Bên cạnh yếu tố hậu cần, nuôi bò sữa hiệu quả phải đòi hỏi môi trường khí hậu lạnh, còn nắng nóng như vùng miền Trung, nhất là Nghệ An thì hiệu quả không cao. Khí hậu ở Lào lại càng không thích hợp với con bò sữa. Một cán bộ kỹ thuật của Vinamilk, cho biết vào các tháng có khí hậu mát mẻ, một con bò vắt được trung bình 21 – 25 lít sữa/ngày, nhưng mùa nắng nóng chỉ có 17 – 19 lít.
Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp bị thua lỗ mà họ vẫn đổ tiền đầu tư nuôi bò sữa? Có thể trả lời ngay rằng họ thu lợi nhuận từ việc bán sữa ra thị trường. Một cách đơn giản, giá mua vào 1 lít sữa tươi nguyên liệu hiện có 14.000 đồng. Qua các cung đoạn vận chuyển, chế biến, vận hành bộ máy… giá bán đến tay người tăng lên gấp đôi. Lợi nhuận chính là ở phân khúc này, và để có nó thì đầu tư nuôi bò phải gắn liền với đầu tư nhà máy chế biến sữa.
Cũng có ý kiến còn cho rằng, doanh nghiệp phải chi hàng trăm triệu USD đầu tư nuôi bò sữa còn vì thương hiệu sản phẩm, để chủ động nguyên liệu. Hay vì giành đất đai, vì đón đầu các cơ chế chính sách mà Nhà nước đang và sẽ đầu tư mạnh vào nông nghiệp.
Chưa nói đâu xa, chỉ riêng nghị định 210 của Chính phủ ban hành cuối năm 2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng có rất nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế đất, lãi suất, thậm chí cấp tiền cho mua bò sữa, lập dự án… hấp dẫn. Lúc này, một doanh nghiệp chuyên làm bất động sản mà đi lập dự án bất động sản chắc chắn sẽ khó vay hơn dự án nông nghiệp. Không những vậy, lãi suất dành cho dự án nông nghiệp cũng thấp hơn rất nhiều.
Như vậy, sau chuyện nuôi bò sữa, hẳn doanh nghiệp còn có nhiều toan tính khác?