Sữa Việt Nam
Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò sữa
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, UBND TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư xây dựng công trình hầm biogas. Trong đó, các quận, huyện gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và quận 12, Thủ Đức (TP.HCM) là những địa phương được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2018 - 2020. Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nói chung trên địa bàn thành phố, hiện đã có trên 6.000 hộ được hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học, hàng chục hộ xây dựng đệm lót sinh học và trên 1.000 hộ áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Đến nay, chỉ còn khoảng 2.700 công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi cần xây mới và trên 900 công trình cần được hỗ trợ sửa chữa cải tạo.
Theo các chuyên gia, việc xử lý môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững. Do đó, cùng với phát triển tổng đàn bò sữa, UBND thành phố cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp, hỗ trợ người dân xử lý môi trường chăn nuôi. Cần biện pháp mở rộng tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải, kết hợp theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải của các hộ dân chăn nuôi bò sữa.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, từng địa phương phải tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi với các nội dung như sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn, đồng thời hướng dẫn công tác vệ sinh chuồng trại, vận động tiêm phòng đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm sữa bò. Đặc biệt, triển khai các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ làm hầm biogas, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
T.H