Sữa Việt Nam

“Rút ruột” sản phẩm, sữa Abbott “móc túi” người dùng quá tinh vi

"Việc doanh nghiệp sữa giảm trọng lượng nhưng giá bán lại không thay đổi,... thực chất các doanh nghiệp đang không sòng phẳng với chính khách hàng của mình".

 

  Khác với suy đoán của người tiêu dùng, sau khi thông tin Bộ Tài chính quyết định sẽ áp trần giá sữa, người tiêu dùng cho rằng thị trường sữa sẽ "giảm nhiệt" với việc giá sữa sẽ giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá bán lẻ sữa trên thị trường vẫn đang ở mức cao.


  Đặc biệt, một vài hãng sữa đã có động thái tăng giá sữa thông qua việc thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm hoặc giảm trọng lượng sản phẩm. Với phương thức "lách luật" này, các hãng sữa vẫn ngang nhiên “móc túi” người tiêu dùng.

 

  Đơn cử, sản phẩm PediaSure BA dành cho trẻ, Ensure Gold dành cho người già của Abbott sẽ giảm trọng lượng từ 900g giảm xuống còn 850g, nhưng giá bán lại không thay đổi. Theo đó, sản phẩm sữa PediaSure BA được bán với mức giá 565.000 đồng/hộp loại 900g; Ensure Gold vẫn được bán với giá 690.000 đồng/hộp loại 900g.

 

  Một chủ cửa hàng sữa tại quận Tân Bình, TP. HCM cho biết: "Trước đây khoảng 2 tuần, công ty xuất lô hàng sữa Ensure giảm trọng lượng từ 900g xuống 850g. Đến đầu tuần nay, hãng Pediasure loại dành cho em bé từ 1 đến 10 tuổi cũng giảm trọng lượng như trên nhưng giá không đổi".
Do trọng lượng mỗi hộp sữa giảm đi, trong khi giá bán vẫn giữ nguyên, nên tính ra mỗi hộp sữa loại này đắt hơn so với trước khoảng 40.000 đồng/hộp. Như vậy, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận thấy giá mỗi hộp sữa tăng khoảng 5%.

 

  Lý giải về việc giảm trọng lượng nhưng giữ nguyên giá bán của các sản phẩm sữa, các đại lý cho biết: Theo thông tin từ công ty, lần thay đổi trọng lượng này là do thống nhất khối lượng toàn cầu tất cả đều là 850g. 

 
  Trước cách lý giải về sự thay đổi của các đơn vị kinh doanh sữa, người tiêu dùng cho rằng đó là việc làm thiếu minh bạch, là một chiêu "lách luật" mới của doanh nghiệp để đối phó với quy định áp trần của Bộ Tài chính mới ban hành. 

 

  Độc giả Trọng Nghĩa cho biết: "Chúng tôi nhất trí với các công ty sữa khi họ áp dụng việc giảm trọng lượng với mục đích thống nhất khối lượng toàn cầu. Nhưng nếu giảm trọng lượng, thì phải giảm giá thành sản phẩm. Việc người tiêu dùng không được dùng 50g sữa bột nhưng vẫn phải trả tiền là việc thiếu công bằng với khách hàng. Các doanh nghiệp nên cân nhắc, xem xét kỹ nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách hàng". 

 

  Trong khi đó, độc giả Ngọc Hà nói: "Thật vô lý khi khách hàng phải trả tiền cho một phần sản phẩm mà họ không được sử dụng. Như vậy nghiễm nhiên các doanh nghiệp kinh doanh sữa bỏ túi một khoản tiền không nhỏ. Thực chất các doanh nghiệp đang không sòng phẳng với chính khách hàng của mình, họ đang móc túi người tiêu dùng một cách quá tinh vi".

 

  "Cứ tưởng Bộ Tài chính áp giá trần với các sản phẩm sữa thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nhưng lợi đâu thì tôi chưa thấy, mà chỉ thấy người tiêu dùng vẫn phải oằn lưng chịu giá sữa cao ngất ngưởng. Trong khi các cơ quan nhà nước tìm mọi cách để bình ổn giá sữa thì các doanh nghiệp lại tìm đủ mọi cách để đối phó, lách luật. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt thòi nhất", độc giả Kim Anh cho biết.

 

  VTV dẫn lời ông Lê Văn Giang - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho biết: Đại diện hàng Abbott chủ sở hữu hãng sữa Pediasure đã có phản hồi qua thư điện tử với Cục ATTP. 

 

  Theo đó, công ty này khẳng định sản phẩm Pediasure là sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể dùng qua ống xông cho bệnh nhân. Thành phần không chứa sữa và không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo các quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành nên không thuộc danh mục các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải bình ổn giá. 

 

  Tuy nhiên, trái với ý kiến của đại diện hãng sữa Abbott, Phó cục trưởng Cục ATTP khẳng định: Sản phẩm Pediasure vẫn nằm trong danh mục bình ổn giá nên đã đề nghị doanh nghiệp đăng ký lại giá với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính. 

 

  "Theo thông tư 30 mà Bộ Y tế ban hành thì sản phẩm này (sản phẩm Pediasure - PV) phải nằm trong danh mục quản lý giá", ông Lê Văn Giang - Phó cục trưởng Cục ATTP cho biết. 

 

  Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng khẳng định: Pediasure nằm trong diện đăng ký giá và Cục Quản lý giá chưa nhận được bất kỳ đăng ký nào từ nhãn sữa này sau khi Pediasure giữ nguyên giá và giảm khối lượng trên một hộp sữa. 

 

  Giữ nguyên giá sữa nhưng trọng lượng giảm, điều này đồng nghĩa với việc túi tiền của người tiêu dùng bị hao hụt. Đại diện của Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, sẽ có buổi làm việc với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính để có hướng giải quyết cụ thể vụ việc này.

Nguồn: http://bizlive.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác