Sữa Việt Nam
Sản xuất sữa hữu cơ “made in Việt Nam”: Chông gai nhưng phải làm
An toàn là số 1
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sữa hữu cơ (organic milk) phải đảm bảo các tiêu chuẩn: cỏ nuôi bò trồng tự nhiên, không có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, không có hạt giống biến đổi gen. Bò không bị tiêm hormon tăng trưởng để kích thích sản lượng sữa và kháng sinh (có hormon và thuốc kháng sinh trong sữa)... Nói ngắn gọn là, bò sữa được nuôi hoàn toàn tự nhiên, theo quy trình giám sát chặt chẽ, tuân thủ đúng kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, để triển khai chương trình sản xuất sữa hữu cơ ngay tại Việt Nam và được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín quốc tế như ở Hoa Kỳ, điều kiện quan trọng là hình thành được trang trại nuôi bò sữa và đồng cỏ sạch theo quy mô công nghệ cao. Hiện ở Việt Nam mới có một số doanh nghiệp như TH True Milk, Mộc Châu, Vinamilk... triển khai được mô hình nuôi bò sữa đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Ông Nguyễn Đang Vang nói rằng, các loại sữa thường cũng tốt cho sức khỏe nhưng sữa hữu cơ là sạch và an toàn nhất.
Cần rạch ròi chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, tại thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn đang sử dụng các loại sữa thường: gồm sữa nước và sữa hoàn nguyên từ bột nguyên liệu, nhưng trong đó thị phần nguyên liệu sữa bột nhập khẩu vẫn chiếm tới 70%. Nói về sữa bột nhập khẩu, đến nay người tiêu dùng vẫn chưa hết hồ nghi về việc nhà sản xuất và doanh nghiệp từng lén lút đưa chất melamine (gây hại thận) vào sữa hoàn nguyên để gia tăng hàm lượng chất dinh dưỡng, trong khi nhiều nhà khoa học và các chuyên gia dinh dưỡng ở Việt Nam cho rằng, hàm lượng dinh dưỡng trong nguyên liệu sữa bột hoàn nguyên về Việt Nam đã bị rút bớt, trên thực tế là gian lận về chất lượng, sữa bột nhập khẩu chỉ là “xác sữa”... Vì vậy, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: “Để tăng cường chất lượng sữa tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là phải đảm bảo có khoảng 500.000 con bò sữa với sản lượng 1 triệu tấn sữa mỗi năm”.
Trong một hội nghị về nông nghiệp sạch, sản xuất nông sản hữu cơ do Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN tổ chức, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH (với thương hiệu sữa TH True Milk) nói rằng, 70% sữa hoàn nguyên là quá cao so với tỷ lệ chỉ 3% - 4% sữa bột công thức ở các nước. Vì vậy Tập đoàn TH quyết tâm nhảy vào đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, theo bà Thái Hương, hiện ở Việt Nam vẫn chưa hề xây dựng được chuẩn quốc gia về sữa hữu cơ cũng như nông sản hữu cơ để doanh nghiệp làm đối sánh cũng như người tiêu dùng có căn cứ phân biệt và lựa chọn. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được quy chuẩn này. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, nếu xây dựng được quy chuẩn thì có một vài doanh nghiệp có thể đạt được tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói rằng, mặc dù sản xuất sữa hữu cơ - nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam gặp nhiều chông gai do đầu tư lớn, đối mặt bài toán cân nhắc giá cả và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị hiếu người tiêu dùng nhưng đây chắc chắn là một xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như các quốc gia khi đẩy mạnh sản xuất sữa, tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tới, để có thể đứng vững ngay trên thị trường nội địa, chưa kể mục tiêu xuất khẩu, và hiện đang được triển khai rất thành công tại các nước như Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Israel... ª
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhiều lần nhắc nhở rằng chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp, gia tăng năng suất và chất lượng nông sản nhưng không thể quên khái niệm phù hợp môi trường sinh thái. “Hướng tới sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, không phải làm nông nghiệp bằng mọi giá”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh. |
PHÚC HẬU