Sữa Việt Nam
Sóc Trăng: Thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Những năm gần đây, Tham Đôn (Mỹ Xuyên) được mệnh danh là xã "bò sữa” vì đa phần các hộ nghèo của xã khi tham gia nuôi bò sữa đều trở thành những hộ khá giàu. Hiện nay, toàn xã có trên 770 con bò sữa với trên 650 hộ nuôi. Điển hình là anh Trần Quốc Quang ở ấp SôLa 1, được xem là hộ nghèo. Năm 2006, khi được hỗ trợ một còn bò sữa anh đã cố gắng chăm sóc nên chỉ sau 1 năm, bò cho sữa. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi ngày bò cho sữa từ 17 đến 20 kg/con. Chỉ sau 5 năm nuôi bò sữa, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giàu của ấp. Hiện nay, anh đang sở hữu 6 con bò cái đang cho sữa. Anh Quang cho biết: "Mỗi ngày gia đình tôi thu được gần 100kg sữa, các cơ sở đến thu mua tại chuồng. Sau khi trừ hết chi phí, chúng tôi lãi trên 600 nghìn đồng/ngày.
Còn ở ấp Cần Giờ, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên gia đình anh Liêu Anh Tuấn nổi tiếng nuôi bò sữa với quy mô lớn. Hiện nay, gia đình anh đang sở hữu 16 con bò cái, trong đó 14 con bò đang cho sữa. Đặc biệt, hộ anh Tuấn là hộ đầu tiên của xã dùng máy vắt sữa theo kỹ thuật mới. Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: Mua máy vắt sữa vừa tiết kiệm được thời gian, tiền thuê nhân công mà sản phẩm sữa sạch hơn. Nuôi bò sữa ngoài đảm bảo thức ăn thì khâu vệ sinh cũng rất quan trọng. Chuồng phải sạch sẽ, thoáng mát nên sữa bán ra luôn được đại lý thích và bán được giá cao. Hiện gia đình anh Tuấn trồng 1 ha cỏ cho bò ăn. Theo anh, chỉ cần một hộ nghèo có một con bò sữa là có thể thoát nghèo nhanh chóng, vì bò cho sữa hằng ngày. Nuôi 1con bò sữa cho thu nhập gấp nhiều lần so với làm ruộng. Với 14 con bò sữa đang cho sữa mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng.
Thành công từ các mô hình chăn nuôi bò sữa của HTX Evergrowth là minh chứng. Năm 2004, có 477 con, đến nay Sóc Trăng có đàn bò sữa 4.700 con, sản lượng sữa đạt 16 tấn/ngày, thu nhập bình quân 45 – 50 triệu đồng/con/năm. Có thể nói, tỉnh Sóc Trăng là địa phương duy nhất thành công phát triển đàn bò sữa ở vùng ĐBSCL.
Nhờ nghề nuôi bò sữa mà nhiều hộ Khmer nghèo có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chỉ sau 6 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh. Điều này chứng tỏ sự thành công của mô hình nuôi bò sữa ở Sóc Trăng mang lại và người hưởng lợi từ sự thành công ấy không ai khác chính là những người nông dân Khmer nghèo.
Chỉ sau 5 năm nuôi bò sữa, gia đình anh Trần Văn Chiến, thành viên HTX Nông nghiệp Evergowth, ở ấp An Hòa 2 (xã Thạnh Thới An – Trần Đề) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giàu của ấp. Hiện nay, anh đang sở hữu 8 con bò cái đang cho sữa, có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Chiến nói: "Người nuôi bò sữa được tổ chức tập huấn kỹ thuật 10 ngày tại các nông hộ đang nuôi bò sữa trong tỉnh. Mặt khác HTX triển khai dự án phải thực hiện theo trình tự, từ cách chọn giống cỏ, trồng cỏ, làm chuồng sau 2 tháng mới bắt đầu nuôi bò, phương cách chăm sóc, vắt sữa, cho bò sinh sản ra sao…”. Mới đây, Sóc Trăng triển khai Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013 – 2020, mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa nhanh, bền vững theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, từng bước cơ giới hóa, hiện đại các khâu chăn nuôi.
Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa Sóc Trăng mang nhiều ý nghĩa trong việc hỗ trợ kinh tế nông hộ nhằm chuyển đổi hình thức chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2020 bình quân mỗi nông hộ thuộc dự án nuôi từ 5 – 6 con bò sữa trở lên; tăng đàn bò sữa từ 4.700 con lên 17.800 con, cơ cấu đàn bò cái sinh sản chiếm 60%, đàn bò cái cho sữa chiếm 40% trên tổng đàn, nâng năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ và sản lượng sữa tươi đến năm 2020 đạt 23.000 tấn/năm; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Để đáp ứng nhu cầu tăng đàn bò sữa, dự án sẽ mở rộng vùng trồng cỏ lên 1.200/ha, góp phần nâng trên 80% hộ chăn nuôi bò sữa có hệ thống xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Anh Trần Hoàng An, Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergowth cho biết: Từ kinh nghiệm trải qua những giai đoạn khó khăn của HTX, trước đây bò sữa chỉ có người giàu nuôi vì những dụng cụ chăn nuôi, gieo tinh, thuốc thú y đều rất đắt…Vì vậy nếu dự án chọn đối tượng nghèo, cận nghèo cần có phương án lựa chọn đối tượng nông hộ có điều kiện, quyết tâm nuôi bò. "Hiện nay, tiêu thụ sữa tươi cung không đủ đáp ứng nhu cầu. HTX Evergowth đang thu mua sữa nông hộ 12.400 đồng/kg, HTX bán sữa cho nhà máy chế biến sữa 14.400 đồng/kg”, anh An nói.
Nhờ nghề nuôi bò sữa mà nhiều xã viên Khmer nghèo HTX Nông nghiệp Evergowth có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chỉ sau 6 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh. Điều này chứng tỏ sự thành công của mô hình nuôi bò sữa ở Sóc Trăng mang lại và người hưởng lợi từ sự thành công ấy không ai khác chính là những người nông dân Khmer nghèo. Phát triển chăn nuôi bò sữa là một chương trình giúp người dân nghèo ở Sóc Trăng có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo PHƯƠNG NGHI (Báo Đại Đoàn Kết)