Sữa Việt Nam

Sữa Việt bước vào thị trường Trung Quốc

Xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ("Bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc", Tuổi Trẻ ngày 14-10). Nhưng thị trường hơn 1 tỉ dân đang đòi hỏi gì?

 Câu chuyện của NutiFood phần nào trả lời được những khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải trải qua. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Nguyễn Hòa, phó chủ tịch hội đồng quản trị NutiFood, nói:

 

- Dự kiến từ giữa tháng 10-2019, những lô sữa đầu tiên của VN được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. 

 

Hồ sơ của 5 doanh nghiệp sữa VN đã được Trung Quốc chấp thuận và hải quan nước này đã xét duyệt, chỉ còn chờ bước cuối cùng cấp mã số xuất khẩu. Đây là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của Bộ NN&PTNT cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp.

 

Mở cửa cho sữa Việt

 

* Hàng Trung Quốc ở VN quá nhiều. Nhưng quá trình để sữa Việt vào Trung Quốc lại rất dài, chúng ta đã phải làm gì, thưa ông?

 

- Với mặt hàng sữa, về cơ bản sản phẩm sữa VN từ trước đến nay chưa thể vào thị trường Trung Quốc, thậm chí cả đường tiểu ngạch. Nếu cơ quan hải quan nước này bắt được lô hàng sữa sẽ lập tức hủy ngay.

 

Trong suốt các năm 2016-2017, các đoàn lãnh đạo của VN hội đàm trực tiếp với phía Trung Quốc để bàn cách mở cửa cho sữa cùng các nông sản vào Trung Quốc.

 

Đến năm 2018, Trung Quốc hứa xem xét chấp nhận cho sữa VN và lúc này mới bắt đầu hành trình đánh giá chất lượng sữa VN. 

 

Thời gian qua Bộ NN&PTNT đã xây dựng hướng dẫn chi tiết các yêu cầu về mặt kỹ thuật của phía Trung Quốc, thậm chí mời cả chuyên gia Trung Quốc sang cùng thẩm định.

 

Phía Trung Quốc đã tới kiểm tra các vùng chăn nuôi của VN đảm bảo an toàn về dịch bệnh, họ muốn sữa VN xuất sang Trung Quốc phải đến từ các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 

Đến tháng 4-2019 hai nước mới ký nghị định thư xuất khẩu. Các lô hàng này có thể được xem như là bước mở đường cho các sản phẩm sữa của VN xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

 

Những doanh nghiệp sữa được lựa chọn trong giai đoạn đầu phải uy tín, theo đến cùng chất lượng sản phẩm.

 

* Bộ hồ sơ có thể nói là "kinh khủng" mà phía Trung Quốc yêu cầu cụ thể là gì, thưa ông?

 

- Ngoài các yêu cầu của Bộ NN&PTNT, phía Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu phải hoàn thiện bộ hồ sơ, đúng là có thể nói "kinh khủng" vì tính chi tiết và đầy đủ quy trình sản xuất.

 

Bộ hồ sơ này bao gồm thông tin từ nông trại đến sản phẩm cuối cùng như xuất xứ con bò, quy trình kiểm soát thú y, tiêm phòng, danh mục thuốc thú y, lấy mẫu, hồ sơ kiểm nghiệm, sau đó mới là thông tin về trang trại, nhà máy... Tất cả đều phải bằng hai thứ tiếng Anh và Trung.

 

Tiếp theo, danh mục sản phẩm xuất khẩu phải đăng ký kèm theo tiêu chuẩn chất lượng, tự công bố gắn với các kiểm nghiệm. 

 

 

Cho đến nay có 4/5 doanh nghiệp hoàn thiện và chỉ đánh giá có 2 hồ sơ tốt, trong đó có NutiFood. Nói thật, chúng tôi cũng mừng vì kết quả sau cả quá trình chuẩn bị công phu.

 

Chúng tôi đang chờ cấp mã số xuất khẩu và đó là bước thủ tục cuối cùng để thâm nhập chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Những yêu cầu rất khắt khe, nhưng cũng giúp cho những doanh nghiệp khác đánh giá đúng năng lực sản xuất của ngành sữa VN.

 

Không mua đứt bán đoạn

 

* Cơ hội nhiều nhưng làm sao để thị trường Trung Quốc là cơ hội khẳng định thương hiệu, phát triển chứ không chỉ là cuộc dạo chơi cho các công ty sữa VN?

 

- Chúng tôi đã đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt đó nhờ có nguồn nguyên liệu, trang trại cao nguyên có khí hậu rất phù hợp để nuôi bò sữa... 

 

Sau gần 2 năm theo đuổi, NutiFood đã có "visa" xuất khẩu sang Mỹ khi đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). 

 

Thực tế, dù mặt hàng sữa chưa vào được Trung Quốc nhưng các sản phẩm dinh dưỡng của Nuti cũng đã có mặt tại Trung Quốc, ngoài ra còn có cà phê. 

 

Hiện các sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 3.388 cửa hàng, siêu thị. Kinh nghiệm là chú trọng phân phối. Chúng tôi đã chọn phát triển cùng đối tác địa phương chứ không mua đứt bán đoạn.

 

* Thị trường Mỹ và Trung Quốc rất khác nhau, vào được rồi cũng còn nhiều việc phải làm, thách thức cho các sản phẩm sữa Việt?

 

- Trong danh mục các sản phẩm được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc lần này có cả sữa bột nguyên kem, sữa công thức... 

 

Để chinh phục một thị trường, quan trọng là phải cung ứng những dòng sản phẩm phù hợp khẩu vị, thị hiếu.

 

Dựa trên các sản phẩm đã thâm nhập được, có thể thấy lợi thế của sữa VN là được người dùng Trung Quốc đón nhận khá tốt, hợp khẩu vị. Vấn đề là chúng ta phải điều chỉnh bao bì theo quy định, quy cách quy định của thị trường Trung Quốc.

 

Với thị trường Mỹ, sữa Việt mới chỉ đang đáp ứng một phân khúc, phục vụ một cộng đồng nào đó. Nhưng với thị trường Trung Quốc nhu cầu đa dạng, với 1,4 tỉ dân, có nhiều phân khúc, đây là dạng thị trường tiềm năng.

 

Trung Quốc có những loại sữa rẻ như nước nhưng cũng tồn tại một thị trường sữa cao cấp nhập khẩu cạnh tranh gay gắt. 

 

Sữa VN đang có lợi thế về địa lý, dễ dàng vận chuyển, chi phí logistics không quá cao... Chúng tôi tin sữa VN hoàn toàn có cơ hội nếu doanh nghiệp bám sát, tìm được ngách thị trường phù hợp.

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác