Sữa Việt Nam

TP. HCM - 'Đầu tàu' bò sữa

TP.HCM là một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn nhất cả nước với trên 70.000 con. Đây là một trong những vùng sớm phát triển bò sữa theo quy mô công nghiệp.

 Nông dân bắt kịp xu thế

 

Về xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi – nơi có đàn bò sữa lớn nhất TP. HCM thời điểm này, luôn bắt gặp không khí làm việc nhộn nhịp của bà con chăn nuôi bò sữa…

 

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thạnh Đông, hiện tổng đàn bò của xã là hơn 17.800 con, trong đó phần lớn là bò sữa, với gần 1.100 hộ. So với cách đây 2-3 năm, đàn bò sữa của xã đã giảm khoảng gần 2.000 con. Nhưng bù lại, năng suất và chất lượng sản phẩm sữa được nâng cao, do áp dụng quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt.So với vài năm trước, đàn bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông đã giảm khoảng 20%. Nhưng bù lại, chất lượng sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn khắt khe mà doanh nghiệp thu mua đưa ra. Đây là xu thế tất yếu, hướng tới việc xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường tiềm năng là Trung Quốc.

 

“Các hộ nuôi bò sữa nếu muốn có đầu ra ổn định thì phải ký hợp đồng với doanh nghiệp, phải tuân thủ nghiêm những điều khoản trong hợp đồng”, ông Tài nói.

 

Ông Võ Văn Son, 74 tuổi, ở ấp 11, xã Tân Thạnh Đông, là một trong số những nông dân đầu tiên của xã nuôi bò sữa. Nhờ đàn bò, ông tạo dựng được một cơ ngơi thuộc loại bề thế nhất ấp. Ông Son có 8 người con, hiện đều đã yên bề gia thất và khá giả nhờ “nối nghiệp” cha, 7 người nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 500 con. Người con còn lại mở đại lý cung cấp thức ăn cho bò.

 

Dẫn tôi tham quan “ngôi nhà” của đàn bò sữa gần 50 con ngay bên hông nhà, chị Ánh Tuyết, con dâu ông Son nói: “Chăn nuôi theo đúng theo quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật chẳng phải dễ, nhưng là yêu cầu bắt buộc. Tôi nghe nói Trung Quốc họ ký hợp đồng thu mua sữa của mình, hy vọng giá sẽ tăng lên!”.“Tôi là một trong số ít người nuôi bò sữa. Hồi đó ít người nuôi, yêu cầu chất lượng không cao như bây giờ, nên cũng khá. Còn bây giờ, chăn nuôi bò sữa muốn tồn tại và phát triển thì một trong những yêu cầu đầu tiên là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi theo phương pháp khoa học. Nếu không, chỉ cần sản phẩm sữa kém chất lượng, doanh nghiệp họ từ chối thu mua vài lần là kể như tiêu. Cũng đúng thôi, muốn tồn tại thì phải bắt kịp xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế thời hội nhập”, ông Son nói.

 

Cách gia đình ông Son một con đường nhỏ là căn nhà xây kiểu biệt thự của vợ chồng anh Lê Văn Bút, 53 tuổi. Anh là một tay nuôi bò sữa có hạng trong ấp. Đàn bò của anh từng có nhiều con cho đều đều 20 kg sữa mỗi ngày. Cơ ngơi này cũng do bò sữa mang lại. Chị Võ Kim Ánh, vợ anh Bút, khoe: “Vợ chồng tôi nuôi bò sữa cũng ngót 2 chục năm rồi. Toàn bộ cơ ngơi này là từ bò sữa đó!”.

 

Anh Bút cho biết, hiện nay quy trình chăn nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp vô cùng khắt khe. Từ việc đầu tư chuồng trại đúng kỹ thuật đến sử dụng chủng loại, hàm lượng thức ăn mỗi ngày cho mỗi con bò. Không chỉ thế, người nuôi còn phải tuân thủ đúng quy trình vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho bò.

 

Tập trung tối đa vào chất lượng

 

“Mỗi ngày, trước khi vắt sữa phải làm đủ các thao tác như vệ sinh vú cho bò, thử soma. Sau khi vắt và lọc xong, mang ra trạm thu mua, họ sẽ kiểm tra hàm lượng chất khô, béo và tế bào soma lại một lần nữa trước khi chấm điểm chất lượng sữa để định giá…”, anh Bút nói.  

 

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, tổng đàn bò sữa của huyện khoảng gần 70.000 con. Hiện vấn đề đô thị hóa đang ảnh hưởng nhiều đến việc quy hoạch chăn nuôi. Việc áp dụng công nghệ cao trong nuôi bò sữa cũng chưa đồng bộ, dẫn đến sản lượng và chất lượng sữa cũng ảnh hưởng.

 

Theo ông Đức, huyện đã có đề án phát triển ngành bò sữa thời gian tới. Cụ thể, định hướng đến năm 2020 sẽ giảm đàn bò sữa của huyện xuống khoảng 50.000 con. Theo đó, những con bò cho năng suất dưới 15 kg sữa/ngày sẽ cho thanh lý, hoặc sử dụng làm bò cái nền, phối giống với bò thịt cao sản để tạo ra bò thịt có giá trị cao.

 

Góp phần quan trọng vào quy trình nuôi bò sữa tiên tiến, năm 2018, ThS Lê Bá Chung, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cùng các nhà khoa học của Phân viện đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công đề án “Chăn nuôi bò sữa tiên tiến tại TP.HCM”.

 

Dự án của ThS Lê Bá Chung và nhóm nghiên cứu xây dựng công thức tính lượng thức ăn, hiệu quả kinh tế bằng phần mềm Microsoft Excel, giúp tránh tình trạng thừa thức ăn hoặc ăn không đủ nhu cầu của bò sữa, tính lượng thức ăn, tháng vắt sữa, trọng lượng bò, sản lượng sữa, giá của các loại thức ăn…

 

“Từ những loại thức ăn sẵn có, người dân chỉ việc chọn loại thức ăn mà mình sẽ cho ăn trong ngày, phần mềm sẽ cho kết quả là lượng thức ăn cần thiết phải cho ăn để đáp ứng đủ theo từng nhu cầu của mỗi loại bò sữa. Ngoài ra, phần mềm còn tính được lợi nhuận từ giá thành của thức ăn và giá sữa. Mô hình có thể nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10-20%, rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ khoảng 47 ngày, nên mỗi ngày tiết kiệm gần 5.000 đồng thức ăn/con”, ThS Chung nói.


Ngoài ra, dự án còn nghiên cứu hệ thống giảm stress nhiệt (quạt, hệ thống phun sương…) cho bò. Nhờ đó, bò không bị stress (lè lưỡi, chảy nhớt, thở mạnh, kém ăn, mệt mỏi) nên lượng sữa vắt được trong ngày không bị giảm đi. Theo các hộ nuôi bò sữa tham gia dự án của ông Chung, bò thường bị stress vào buổi trưa, ảnh hưởng đến năng suất sữa. Sau tham gia dự án, bò không còn bị stress, lượng sữa ổn định, năng suất tăng khoảng 10kg/ngày.

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác