Sữa Việt Nam

Thêm 210.000 tỷ đồng cho kỳ vọng nâng cao thể trạng người Việt

Dù đã có đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” với mức kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lại tiếp tục chuẩn bị đệ trình lên đề án mới cũng với nội dung tương tự song đi kèm nguồn kinh phí gấp 35 lần.
Thời gian gần đây, trong lúc các thông tin liên quan đến sữa “bẩn”, sữa “độc”, sữa “ký” lan tràn khắp nơi thì cũng rộ lên câu chuyện dinh dưỡng cho trẻ với mối lo lắng đến từ các cơ quan chức năng rằng người Việt Nam đang quá thấp bé nhẹ cân! Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lên báo nói rằng việc cải thiện chiều cao mới ở nhóm trẻ em sống ở thành phố còn khu vực miền núi, nông thôn - nơi có cuộc sống thấp hơn - thì chiều cao phát triển chưa được rõ ràng.
 
Và nhanh chóng đến bất ngờ, các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh chiều cao cho trẻ cũng bắt đầu xuất quân. Bộ LĐ-TB&XH đã bắt đầu xây dựng một đề án có tên “Sữa học đường”, được thông báo là làm từ cuối năm 2012, với mục tiêu là cung cấp sữa uống hàng ngày cho 400.000 trẻ em nghèo đang sống tại 62 huyện nghèo nhất nước. Theo đó, mỗi học sinh mầm non sẽ được cấp sữa 2 lần/ngày (mỗi lần một hộp sữa nước 110ml), học sinh tiểu học được cấp mỗi bé một hộp sữa 180ml/ngày. Ở các vùng kinh tế phát triển hơn, chương trình sữa học đường đề nghị được triển khai theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự kiến của đề án là chiều cao trung bình của người Việt với nam giới là 167cm, nữ giới 156cm vào năm 2020; đến năm 2030 là 168,5cm ở nam và 157,5cm ở nữ.
 
Nhưng bất cứ chương trình hành động nào cũng vậy, câu chuyện kinh phí là không thể thiếu. Theo báo Lao Động, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết đề án nâng cao thể trạng trẻ em Việt Nam có tổng mức kinh phí đến năm 2020 khoảng 210.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay, nhưng do tài chính khó khăn, đề án phải trình hoãn sang năm 2014.
 
Trước đó, tháng 4/2011, đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” với mức kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt để cải thiện chiều cao của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo SGTT, có người cho rằng đề án này quá lạc quan và đầy tham vọng với mục tiêu đến năm 2020 tăng chiều cao cho nam thanh niên thêm 3,3cm và 3cm cho nữ. Vì thực tế nghiên cứu ở nhiều nước chưa có nước nào mà tăng chiều cao trên 2cm trong vòng mười năm. Trong vòng 40 năm (1950 – 1990), chiều cao thanh niên Nhật chỉ tăng 4cm hay Hà Lan, trong vòng 17 năm, chiều cao dân họ tăng khoảng 2cm ở nam và 2,3cm ở nữ.
 
Để người Việt cải thiện được tầm vóc cũng cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình với nhà trường từ chất lượng sữa đến các chương trình thể thao trong giáo dục, không thể chỉ hô hào bằng khẩu hiệu trong các đề án nghìn tỷ. Chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng với những con số 6.000 tỷ, 210.000 tỷ thì “gánh nặng” này liệu có làm người Việt “lùn đi”? Nếu các thực phẩm nguy hại như gậy như ý, kẹo nổ pốp chua, thạch hồ lô… đã xâm nhập được vào căng-tin trượng học, thì cũng không có gì đảm bảo loại sữa bột nguyên liệu nhập khẩu với giá rẻ như bèo từ Trung Quốc, Hàn Quốc… lại không thể đột nhập được.
 
Hải Băng


Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác