Sữa Việt Nam
Thị trường sữa: Giá lên, chất lượng xuống
Ngày 27/10, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã công bố kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và nguyên liệu pha chế sữa trên địa bàn TP HCM.
“Hở” quy trình
Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm- Bộ Y tế, trong số các nguyên nhân gây sữa kém chất lượng thì có tới 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, chỉ có chưa đầy 1% xuất phát từ nhà sản xuất. Ở VN, các sản phẩm lỗi thường xuất phát từ việc sản xuất thành phẩm, bảo quản thành phẩm, làm giả, làm nhái.
Trong khi đó, hiện nay ở VN phần lớn vẫn chưa có chuỗi sản xuất sữa khép kín, bao gồm các bước: Nuôi bò – Vắt sữa – Bảo quản – Thu gom vận chuyển – Xét nghiệm tại phòng thí nghiệm – Chế biến – Đóng gói – Bán sữa. Trong đó, mỗi một bước đều có những yêu cầu khắt khe và nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh, bảo quản, đảm bảo cho nguồn sữa luôn được sạch và đầy đủ các vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, qui trình này tại VN còn nhiều vấn đề phải bàn.
Hiện nay, phần lớn nhà máy vẫn phải đi thu mua sữa từ các hộ gia đình, do vậy công tác bảo quản, vận chuyển chưa tốt, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sữa. Ngay bản thân các DN vẫn còn thiếu thiết bị, công nghệ sản xuất sữa hiện đại, nhất là khâu bảo quản nguyên liệu sản xuất…
Bản thân chất lượng sữa, mỗi loại lại có tiêu chuẩn, chất lượng riêng. Ví dụ ở mặt hàng sữa bột - ông Lê Hoàng, Phó Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) giải thích: Về mặt khoa học, sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai... Trước đây sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột, tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% lượng sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác... Các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định, vì vậy người sản xuất đặt tên dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em nhằm đảm bảo chất lượng.
Bịt lỗ hổng chất lượng sữa
Hiện nay ở VN phần lớn vẫn chưa có chuỗi sản xuất sữa khép kín. |
Vì vậy, theo ông Trịnh Quý Phổ - Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm và kiểm định chất lượng các sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính. Đối với các nhà sản xuất, hiệp hội yêu cầu DN không sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, DN nên hợp tác với các nhà khoa học VN để áp dụng công nghệ hiện đại; xây dựng và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
Với loại sữa nhập khẩu, để quản lý chất lượng, ông Lê Hoàng cho rằng, trước khi hàng về thì nhà nhập khẩu đã phải công bố các tiêu chuẩn, chất lượng, tên gốc của sản phẩm nhập khẩu. Khi sản phẩm về đến VN thì DN phải thực hiện kiểm tra tại cơ quan quản lý nhà nước. Khi cơ quan hải quan thông quan thì phải dựa trên giấy xác nhận của các cơ quan quản lý khác và quan trọng nữa là áp mã thuế nhập khẩu thì căn cứ bản chất hàng hóa và cấu tạo sản phẩm chứ không chỉ căn cứ vào tên sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, trong lúc chưa thể xây dựng được chuỗi sản xuất sữa khép kín, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sữa chất lượng, các DN cần được kiểm tra ngay tại các hộ chăn nuôi trước khi đưa về nhà máy, cần khuyến khích nông dân bảo quản sữa tốt bằng cách thu mua giá cao. Với các trang trại, cần áp dụng ngay các biện pháp bảo quản hiện đại ở tất cả cả các khâu từ trồng cỏ nguyên liệu cho đến khâu vắt sữa, bảo quản để vận chuyển đến nhà máy sản xuất. Các nhà sản xuất, chế biến kinh doanh mặt hàng sữa cần tăng cường hợp tác với đội ngũ các nhà khoa học VN, áp dụng công nghệ hiện đại và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
* Với 16 mẫu do chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM lấy tại các điểm bán sữa (kinh doanh thức ăn đường phố) trên địa bàn sáu quận (1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và tại chợ Kim Biên – quận 5), qua kiểm nghiệm cho thấy: đối với sản phẩm bột béo có một mẫu đạt các chỉ tiêu về vi sinh và hoá lý. Đối với sản phẩm hương liệu pha chế sữa thì 5/5 mẫu đều không phát hiện kim loại nặng. Đối với mười mẫu sản phẩm sữa (năm mẫu sữa đậu nành, năm mẫu sữa đậu xanh) tuy không phát hiện đường hoá học trong sản phẩm nhưng đã phát hiện 10/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí, 5/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu tổng số nấm men và nấm mốc, 7/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu Coliforms. * Theo tính toán, số lượng sữa tươi sản xuất trong nước chỉ chiếm 20-27% so với lượng sữa tươi được công bố đang lưu hành ngoài thị trường. Như vậy, có trên 70% sữa bán trên thị trường không phải sữa tươi. Nhiều DN quảng cáo sữa tươi nhưng thực chất không phải sữa tươi mà trên thị trường hiện nay 70-80% là sữa hoàn nguyên nhập khẩu. |
Quốc Anh