Sữa Việt Nam

Thôn vùng sâu làm kinh tế trang trại

Nếu tính bình quân thì mỗi gia đình ở thôn 8 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) có 16 con heo, 2 con bò. Ngoài ra, cứ 4 hộ thì có một ao cá và 10 thùng ong. Tính bình quân như vậy để thấy rằng dù là một thôn vùng sâu của xã, nhưng người dân nơi đây đã biết phát triển kinh tế trang trại. Nhờ đó, không chỉ từng gia đình có kinh tế khá giả mà thôn 8 đã trở thành thôn phát triển nhất của xã Đại Lào.
Toàn thôn 8 hiện có 86 hộ dân với gần 350 nhân khẩu. Điều đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp trong thôn rất hạn hẹp, chỉ có 79 ha, nhưng các hộ dân đã biết tận dụng từng “tấc đất” để trồng chè, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm và cá. Tính đến nay, toàn thôn 8 có đến 4 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn heo hơn 1.400 con; có 41 hộ dân nuôi bò với tổng đàn là 210 con (trong đó có 25 hộ nuôi 137 con bò sữa). Ngoài ra, trong thôn còn có một hộ nuôi ong lấy mật với số lượng 200 thùng ong, 22 ao cá với diện tích 6,5 ha (chủ yếu nuôi cá rô phi lưỡng tính). Ông Lê Đăng Hải, Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân thôn 8, lý giải: “Vì diện tích đất hạn hẹp nên người dân trong thôn phải lựa chọn cách thức sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả. Chính vì vậy, bà con nông dân trong thôn đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Thâm canh tăng năng suất và phát triển kinh tế theo mô hình trang trại là cách thức mà một số hộ dân đã làm. Thấy có hiệu quả nên người sau tiếp bước người đi trước và trong thôn đã dần dần hình thành các trang trại”.
 
Từ năm 1999, xã Đại Lào được tách ra từ xã Lộc Châu và thôn 8 cũng được hình thành từ đó. Cuộc sống của người dân trong thôn 8 trước đây chủ yếu làm công nhân cho Nông trường B’Lao S’Rê. Qua gần 15 năm chia tách và phát triển, thôn 8 đã có sự phát triển vượt bậc. Bà Hoàng Thị Xuyên, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đại Lào, cho biết: “Cùng với thôn 11 chuyên về cây cà phê, thôn 8 cũng là thôn phát triển về kinh tế - xã hội vượt bậc của xã với các trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, người dân trong thôn còn biết giúp nhau cùng phát triển bằng cách hỗ trợ nhau cây, con giống. Các tổ chức hội cũng tín chấp cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình”. Trong thời gian qua, thực hiện các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, thôn 8 đã thành lập được 3 tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với số tiền 750 triệu đồng cho 45 tổ viên vay. Các đoàn thể trong thôn đã xây dựng nguồn quỹ hội với số tiền hơn 50 triệu đồng cho 48 hội viên vay. Đặc biệt, Chi hội Phụ nữ còn thành lập Tổ hùn vốn tình thương để xoay vòng cho các hội viên vay vốn trong tháng. Bà Văn Thị Thương, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ thôn 8, cho biết: “Số tiền hỗ trợ các hội viên tuy không lớn nhưng đây là điều kiện để giúp các hội viên phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, đa phần hội viên phụ nữ đã có cuộc sống gia đình tương đối ổn định”. 
 
Đạt được những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế đã làm cho đời sống văn hoá, tinh thần của người dân trong thôn cũng ngày càng được nâng cao. Đến nay, thôn 8 đã có gần 90% gia đình đạt “gia đình văn hoá”. Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong năm qua đã có 15 hộ tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông. Ông Nguyễn Tuấn Đạt, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 8, cho biết: “Dù là một thôn nằm ở vùng sâu của xã Đại Lào nhưng người dân trong thôn biết đoàn kết, cùng nhau xây dựng thôn ngày càng phát triển”. 
 
Với một xã còn nhiều khó khăn như Đại Lào, việc hình thành những trang trại chăn nuôi như tại thôn 8 là một trong những mô hình hay, góp phần đưa kinh tế của xã ngày càng phát triển. Việc xây dựng các mô hình điểm và có các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất là vấn đề mà xã và thành phố cần quan tâm để nhân rộng những mô hình hay của thôn 8, xã Đại Lào. 
 
ĐÔNG ANH


Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác