Sữa Việt Nam
Thông Thuận - Đại gia "kín tiếng" miền Trung vừa nhận dự án bò sữa 3.000 tỷ là ai?
Chiều ngày 18/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa. Dự án này có diện tích 850ha tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình với tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.000 tỷ đồng.
Thông Thuận là ai?
Chủ đầu tư của dự án 3.000 tỷ đồng này là Tập đoàn Thông Thuận, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trước khi được giao dự án 3.000 tỷ này, Thông Thuận nổi tiếng hơn trong lĩnh vực thủy sản.
Thông Thuận tiền thân là một cơ sở sản xuất tôm giống, hình thành từ năm 1990 do ông Trương Hữu Thông gây dựng nên tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cũng chính vì thế mà ông Trương Hữu Thông được gọi với cái tên "Thông Tôm".
Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch, Tổng giám đốc Thông Thuận
Hiện nay, ông "Thông Tôm" nắm trong tay 7 khu sản xuất tôm giống với hơn 100 nhà nuôi tôm giống. Các xí nghiệp tôm thương phẩm trải dài khắp 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, cho sản lượng 10.000-12.000 tấn mỗi năm.
Trong đó, chi nhánh tại Ninh Thuận đạt doanh số tới 20 triệu USD/năm và chi nhánh Cam Ranh đạt doanh số 30 triệu USD/năm.
Ngoài sản xuất tôm, Thông Thuận có đồng muối công nghiệp diện tích lên tới 235ha, cho sản lượng 15.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Thông Thuận sở hữu nhà máy gạch Tuynel quy mô lớn nhất miền Trung, được đầu tư công nghệ tiên tiến nhất của Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Hiện nay, Thông Thuận có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trong đó ông Trương Hữu Thông nắm 80% và bà Lê Thị Thương Huyền năm 20%.
Hướng đi mới với ngành sữa
Tham gia dự án chăn nuôi bò công nghệ cao, Thông Thuận sẽ có thêm một mảng kinh doanh mới trong ngành sữa. Tuy quy mô dự án chưa thể so sánh được với các ông lớn đi trước như Vinamilk hay TH, nhưng tiềm năng của dự án vẫn là rất lớn. Được biết, dự án này gồm 3 khu:
- Khu 1 là khu chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao với quy mô khoảng 6.000 con bò thịt, giống nhập khẩu từ Úc và 20.000 con bò sữa nhập khảu từ Mỹ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
- Khu 2 là cụm công nghiệp Sông Bình có diện tích 24ha với 4 nhà máy, gồm nhà máy chế biến sữa, nhà máy giết mổ gia súc, nhà máy bao bì và nhà máy nước khoáng. Trong đó, nhà máy chế biến sữa có công suất 100 triệu lít sữa nước tiệt trùng/năm, 90 triệu hũ sữa chua yaourt/năm và 85 triệu hộp sữa đặc/năm. Công suất sữa nước này bằng 1/8 nhà máy đặt tại Bình Dương của Vinamilk.
- Khu 3 là vùng nguyên liệu có 826ha trồng cỏ công nghệ cao do doanh nghiệp và nông dân trong vùng dự án cùng trồng.
Trước đó, Thông Thuận đã xây dựng khu văn phòng làm việc, khu nhà ở công nhân, khu nhà ăn, 2 dãy chuồng bò và nhập 1.000 con bò giống đã sinh sản được gần 300 con bê, trồng được 200ha cỏ và đang hoàn thiện chuồng thứ 3 để nhập tiếp bò.
Công ty đứng ra thực hiện dự án này là Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận (Thông Thuận Milk), một doanh nghiệp có vốn điều lệ 80 tỷ đồng do ông Thông cùng 2 người khác góp vốn thành lập, trong đó cá nhân ông Thông sở hữu 55,7%.
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ