Sữa Việt Nam
"Triệu phú” bò sữa trên quê hương Hà Nam
Định kỳ vào 6h và 18h hàng ngày, đàn bò được vệ sinh chuồng trại, tắm rửa sạch sẽ và cho ăn trước khi lấy sữa
Theo ông Khu, để chăn nuôi bò sữa thành công điều quan trọng là con giống chất lượng; chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ; nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng; chăm sóc quản lý tốt lúc sinh sản. Nhờ có chủ trương dồn đổi ruộng đất để quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa của xã, gia đình ông đã dồn đổi được 2 mẫu đất phía ngoài bãi sông Hồng để xây dựng chuồng trại tập trung và trồng cỏ, ngô. Ngoài ra, ông còn thầu thêm 4 ha đất trong dân để trồng cỏ voi. Với mức tiêu thụ gần 2 tấn cỏ mỗi ngày như hiện nay, gia đình ông đã hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn bò và đồng thời tận dụng luôn nguồn phân bò để bón cho cỏ. Bên cạnh đó, ông Khu còn tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Việc lấy sữa, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại đều được hỗ trợ bằng máy móc. Thời gian cho ăn, lấy sữa tuân thủ theo đúng nhịp điệu sinh học của bò để đảm bảo sản lượng và chất lượng sữa tốt nhất. Những ngày nắng nóng gay gắt, đàn bò của ông được chăm sóc kỹ lưỡng, chuồng trại được làm mát làm mát bằng hệ thống phun mưa tự động trên mái và quạt gió bên trong. Nhờ vậy, bò sinh sản đều đặn, ít bệnh tật, chất lượng và sản lượng sữa ổn định.
Khâu vắt sữa bò hoàn toàn được tiến hành bằng máy, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo vệ sinh
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Khu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ trong xã về kỹ thuật chăm sóc, phối giống, chữa bệnh cho bò. Từ mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông đã góp phần tạo thêm động lực giúp nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, làm giàu từ mô hình này. Năm 2010, cả xã chỉ có 27 con bò thì đến nay đã có hơn 20 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò là gần 200 con. Bò sữa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác mà còn giúp gia đình ông và nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa nhanh, bền vững theo phương thức hộ gia đình với mô hình trang trại mẫu và chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi bò sữa, cung ứng thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sữa, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân: quy hoạch vùng phát triển bò sữa tập trung ở 3 huyện Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng; hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình phụ trợ, xử lí môi trường, chuyển giao kỹ thuật ở khu chăn nuôi tập trung; hỗ trợ 70% giá trị mua bò cho các hộ tham gia đề án của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sữa để giải quyết đầu ra cho sản phẩm ... Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng, phát triển đàn bò. Khó khăn, thất bại cũng nhiều song không ít hộ đã thành công, vươn lên làm giàu từ bò sữa do biết tận dụng thời cơ, làm chủ KHKT trong chăn nuôi. Dự kiến đến cuối năm 2015, Hà Nam sẽ nâng tổng số đàn bò sữa lên trên 2.000 con, và đến năm 2020 sẽ là 7000 - 8000 con, sản lượng sữa ước đạt 25000 – 30000 tấn. |
Thu Thảo