Sữa Việt Nam
Trở thành nông dân giỏi nhờ mô hình nuôi bò sữa
Thôn La Thạch có khoảng 40 hộ dân đang phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, thu nhập trung bình của mỗi nhà ước tính lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Để mở rộng mô hình chăn nuôi, nhiều hộ dân của thôn La Thạch đã đến vùng bãi Đáy để thuê thêm đất, mở rộng mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp với nuôi lợn và trồng trọt.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở đây, ông Nguyễn Xuân Toản dành 0,5ha diện tích đất nông nghiệp để chăn nuôi bò sữa. Ông Toản cũng là người đi đầu trong việc áp dụng các mô hình sản xuất VAC kinh tế gia đình, tận dụng nguồn thức ăn, không gian chăn nuôi, phát triển đa dạng các mặt hàng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng địa phương. Gia đình ông cũng áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất tiêu thụ ra thị trường nguồn sữa với bảo vệ môi trường nông thôn.
Không chỉ có thế, ông đã mạnh dạn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong nuôi gia súc để nâng cao sản lượng, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác và sử dụng.
Nhớ lại thời điểm ban đầu khi quyết định bước ra từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên làm trang trại với quy mô lớn, gia đình ông Toản còn nhiều khó khăn như vốn, kinh nghiệm chăm sóc còn chưa có nhiều, những lo lắng về những dịch bệnh đôi khi đã khiến ông chùn bước, thế nhưng quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp cùng sự động viên kịp thời từ gia đình đã tiếp thêm động lực để ông tạo dựng được mô hình chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn, đầu tư bài bản.
Ông Toản có niềm tin vào việc làm giàu từ bò sữa, bởi với kinh nghiệm nuôi bò sữa từ những hộ gia đình tại thôn La Thạch thì các loại đại gia súc ít mắc phải dịch bệnh, nếu chăm sóc kỹ càng thì không thể có bất trắc xảy ra. Hơn nữa, việc chăn nuôi bò so với các loại vật nuôi khác nhàn hơn rất nhiều, vì đây đều là giống bò thuần, rất dễ nuôi.
Nếu có vất vả thì chỉ hơi mệt vào mùa rét, chuồng trại phải quây cẩn thận để tránh rét cho bò, thêm vào đó, việc lấy sữa diễn ra định kỳ vào sáng sớm và chiều tối, nên lúc nào cũng phải có người trực chờ tại trang trại để vắt sữa, đưa ra trạm, nếu không vắt kịp thì sẽ dẫn đến tình trạng viêm vú ở bò sữa.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son đánh giá: “Ông Nguyễn Xuân Toản là người năng động sáng tạo và nhạy bén trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn đất đai, nguồn vốn, sức lao động tại địa phương để nâng cao năng xuất, mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình, phát triển mô hình ngày càng có hiệu quả”.
Là Trưởng thôn La Thạch, đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi, không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình, nhiều năm qua, ông Toản tích cực phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, và vận động các hộ gia đình hội viên nông dân trên địa bàn cùng nhau sản xuất; trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Để hỗ trợ các hội viên nông dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, ông Toản đã đứng ra liên kết với các hộ chăn nuôi bò để tạo nguồn sữa sạch, sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm, ông hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho 10 hộ trở lên. Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Cường, Lê Văn Thắng, Nguyễn Văn Lăng, Nguyễn Thị Dung… Các hộ có thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/năm. Đồng thời tạo việc làm cho nhiều người, có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi bò sữa.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập; ông Toản đã không ngừng giúp đỡ các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, ông còn phối hợp tích cực với các cấp hội nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Cùng với sự phấn đấu không ngừng, những năm qua ông Nguyễn Xuân Toản đã đạt được nhiều các thành tích trong hoạt động hội, cũng như phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp xã, cấp huyện. Mới đây, ông được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2019 - 2023”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, các hộ nuôi bò sữa tại thôn La Thạch đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị như hệ thống vắt sữa bò bằng máy; quạt; bạt che để đảm bảo phục vụ tốt cho đàn bò. Những thành công về mô hình chăn nuôi bò sữa hộ gia đình như ông Toản xứng đáng trở thành những mô hình kiểu mẫu để người dân các xã, huyện khác học hỏi, từ đó hướng đến phát triển kinh tế hiệu quả ở các khu chăn nuôi tập trung.
Nghề chăn nuôi bò sữa ở xã Phương Đình đang ngày một phát triển không ngừng. Nhờ nghề chăn nuôi truyền thống, nơi đây đã khắc phục được tình trạng thất nghiệp, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Đây là nghề hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và là nghề được dự báo sẽ "vắt ra tiền tỷ" cho nhiều hộ nông dân xã.