Sữa Việt Nam

Trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 18 lít sữa/năm

VOV.VN - Việt Nam đã có sản phẩm sữa xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trở thành một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa.

 Hiện nay, ngành sữa nước ta đang dần có chỗ đứng trên thị trường nội địa và có không ít những cơ hội để xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Theo thống kê mới đây, các sản phẩm sữa của Việt Nam đang giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15%.

Nhiều người tiêu dùng trong nước đánh giá, các mặt hàng sữa do Việt Nam sản xuất ngày càng đáp ứng đầy đủ về dinh dưỡng, chủng loại, nên họ yên tâm khi nhiều lựa chọn sử dụng các sản phẩm sữa trong nước như sữa nước, sữa bột, sữa đặc cho đến các loại sữa chua uống, sữa dành cho các đối tượng trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bệnh...

Theo thống kê, trong một thập kỷ trở lại đây, tiêu dùng sữa trong nước tăng trung bình 17%/năm và trong năm 2013, trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 18 lít sữa/năm.

 

Bà Lê Thị Thu ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, gia đình bà thường sử dụng các sản phẩm sữa trong nước bởi chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cả phải chăng và có nhiều hương vị phù hợp với từng đối tượng.

“Gia đình hay sử dụng sữa của các hãng Vinamilk, Ba Vì, Mộc Châu là các dòng sữa thông dụng hiện giờ đang lưu hành trên thị trường. Đối với con nhỏ, gia đình dùng các sản phẩm sữa bột để nâng cao chiều cao và sức đề kháng và chất dinh dưỡng. Tôi thấy các sản phẩm sữa sản xuất trong nước có chất lượng rất tốt”, bà Thu cho biết.

Từ chỗ phải nhập khẩu sữa hoàn toàn, tới nay, Việt Nam đã có sản phẩm sữa xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trở thành một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa. Năm 2013, xuất khẩu mặt hàng này đạt 230 triệu USD, tăng 28% so với năm 2012. Ngành sữa đã đầu tư đáng kể cho việc phát triển nguồn nguyên liệu cũng như chế biến sữa. 

Đến nay, tổng đàn bò sữa cả nước đạt trên 200.000 con với giống bò được cải thiện. Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến cũng làm cho sữa thành phẩm đạt chất lượng cao. Nhiều công ty sữa trong nước mạnh dạn đầu tư mở rộng sang thị trường nước ngoài, như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Nutifood đã ký biên bản hợp tác xây dựng dự án tổ hợp chăn nuôi bò, nhà máy chế biến sữa tại Lào.

Cuối năm 2013, Vinamilk quyết định đầu tư 7 triệu USD mua lại doanh nghiệp phân phối sữa Driftwood Dairy tại bang California (Mỹ), mở ra thị trường 300 triệu dân có nhu cầu sử dụng sữa lớn trên thế giới. Cũng bởi vậy, mới đây, Vinamilk đã trở thành doanh nghiệp ngành sữa duy nhất đạt giải thưởng Công nghiệp Thực phẩm toàn cầu (IUFoST 2014) do Canada tổ chức. Điều này càng khẳng định rõ hơn vị thế của ngành sữa Việt Nam trên trường Quốc tế.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết, với giải thưởng Công nghiệp Thực phẩm toàn cầu của Canada cho sản phẩm sữa nước của Vinamilk đã khẳng định là sản phẩm sữa của Việt Nam không thua kém gì so với các sản phẩm trên thế giới, sản phẩm sữa không những đáp ứng với người tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu về xuất khẩu. Năm 2013 doanh số xuất khẩu của toàn ngành sữa là 230 triệu USD, trong đó sản phẩm sữa  xuất khẩu của Vinamilk chiếm 210 triệu USD. Điều đó khẳng định sản phẩm sữa của Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào sân chơi toàn cầu.

 

 
Ngành sữa dự kiến tăng đàn bò lên 400.000 con vào năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Trong chiến lược phát triển của ngành sữa, thời gian tới sẽ ra đời thêm nhiều nhà máy hiện đại để có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới. Điển hình là Nhà máy sữa Việt Nam được xây dựng trên diện tích 20 ha với công suất thiết kế đạt 800 triệu lít/năm và Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/một năm. Bên cạnh đó, ngành sữa cũng đang có kế hoạch xây dựng các trang trại bò sữa quy mô công nghiệp và hiện đại, dự kiến sẽ tăng lên 240.000 con vào năm 2015 và lên 400.000 con vào năm 2020.

 

Ông Hoàng Kim Giao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, sữa của Việt Nam đã có những thương hiệu được thế giới công nhận. Sản phẩm sữa tươi nếu khả năng có thị trường chúng ta sẽ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần xúc tiến đẩy mạnh các trang trại tập trung với công nghệ cao hoặc đào tạo kiến thức kỹ thuật cho nông hộ. Bên cạnh đó cần làm tốt khâu quảng bá những thương hiệu bền vững trong nước để sản phẩm sữa có nhiều cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Các chuyên gia cũng đánh giá, hiện ngành sữa nước ta đang đi đúng hướng để phát triển bền vững, trong đó kết hợp phát triển công nghệ hiện đại kết hợp sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, phát triển nguồn nguyên liệu đáp ứng số lượng và chất lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường. Từ đó, nhằm tạo ra các sản phẩm sữa vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa đảm bào an toàn thực phẩm cao nhất, đáp ứng cho thị trường trong nước và mở rộng cho thị trường khu vực và thế giới./.

Nguyễn Hằng/VOV – Trung tâm tin
Nguồn: vov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác