Sữa Việt Nam
Từ 20/12, sữa ngoại phải có chứng nhận chất lượng
Bộ Công Thương vừa có quy định mới siết chặt việc nhập khẩu các loại sữa ngoại kém chất lượng. Theo Thông tư 28 quy định về kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương vừa ban hành, các loại sữa chế biến nhập khẩu sẽ thuộc danh sách các loại thực phẩm phải "tiền kiểm" về độ an toàn, chất lượng trước khi thông quan vào Việt Nam. Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 20/12/2013.
Cụ thể, tùy từng trường hợp mà các nhà nhập khẩu sữa sẽ chịu nhiều cấp độ kiểm tra khác nhau. Trong đó, mức độ kiểm tra cao nhất là "kiểm tra chặt", sẽ áp dụng đối với tất cả các sữa được nhập khẩu từ khu vực có nguồn ô nhiễm hoặc có mầm bệnh dịch nguy hiểm có thể lây sang người.
Các loại sữa nếu ở lần nhập trước đó không đạt yêu cầu nhập khẩu cũng sẽ phải chịu sự kiểm tra gắt gao này, hoặc các loại sữa có thông báo của Bộ Công thương về mức độ nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người.
Ngoài các trường hợp này, các lô sữa nhập khẩu có thể chỉ cần trải qua kiểm tra thông thường, lấy mẫu ngẫu nhiên đủ để kiểm tra cảm quan và kiểm nghiệm một số chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đơn giản hơn nữa là các lô hàng sữa có thể chỉ cần "kiểm tra giảm', soát xét trên hồ sơ mà không cần kiểm tra mẫu thực tế.
Tuy nhiên, muốn có được cơ chế thông quan thông thoáng đó, các lô sữa phải có dấu hợp quy, có chất lượng ổn định qua ít nhất 2 lần kiểm tra liên tiếp, hoặc chất lượng ổn định trong 1 năm.
Các chủ hàng chỉ được phép thông quan hàng hóa khi có chứng nhận thực phẩm đạt yêu cầu của bộ Công Thương. Quy trình này cũng giới hạn, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của chủ hàng, Bộ Công Thương sẽ xem xét và quyết định cơ quan chuyên môn thực hiện việc kiểm tra, kiểm nghiệm thực tế lô hàng theo quy định và thông báo cho chủ hàng băng văn bản.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với các trường hợp lô hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định, các chủ hàng có thể khiếu nại, đề nghị xem xét lại. Các doanh nghiệp sẽ nộp lệ phí kiểm tra này. Nếu không đạt yêu cầu, các chủ hàng sẽ phải tái chế, sửa nội dung ghi nhãn hoặc tái xuất, tiêu huỷ.
Thời gian qua, chất lượng sữa ngoại là một vấn đề nóng gây bức xúc cho người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu sữa nổi tiếng, quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như sữa Abbott, Dumex, Similac GainPlus EyeQ... đều từng dính nghi án nhiễm khuẩn.
Hiện nay, sữa nội chỉ đáp ứng được khoảng gần 30% nhu cầu trong nước, còn lại, 70% nhu cầu được đáp ứng từ nguồn sữa bột ngoại, đến chủ yếu từ New Zealand, Mỹ và Hà Lan. Trong khi đó, giá sữa ngoại thường đắt gấp 2-5 lần so với sữa nội.
Bên cạnh sữa, các loại thực phẩm khác gồm rượu, bia, nước giải khát, dầu thực vật, sản phẩm chế biên bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các sản phẩm sẽ phải chịu sự kiểm tra của Nhà nước về an toàn thực phẩm trước khi thông quan.