Sữa Việt Nam
VINAMILK - Quý giá một “tài sản thương hiệu”
Nâng tầm chất lượng sữa nội
Theo khảo sát của Kantar World Panel (công bố ngày 10/5/2013), tại Việt Nam, Vinamilk là thương hiệu số 1, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các sản phẩm sữa nước, hầu như có mặt ở mọi gia đình Việt Nam. Cứ 100 gia đình Việt Nam thì có 94 gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành Nhà máy sữa bột Việt Nam do Vinamilk đầu tư có vốn 2.000 tỉ đồng, hoạt động từ tháng 4.2013, có tổng công suất 54.000 tấn sữa bột/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 700 ngàn trẻ em Việt Nam mỗi năm.
Trước nay, trong tâm lý của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, sản phẩm nhập ngoại đương nhiên phải tốt hơn và được bán với giá cao hơn sản phẩm sản xuất trong nước. Để thay đổi tâm lý và hành vi tiêu dùng ấy, không có cách nào khác, các doanh nghiệp sữa nội phải chứng tỏ được mình không hề thua kém về công nghệ, có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tương đương với giá phù hợp hơn.
Vinamilk là một doanh nghiệp luôn đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để thực hiện mục tiêu đó. Không thể có những sản phẩm tốt nhất nếu không có những công nghệ tốt nhất. Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: “Mục tiêu của Vinamilk là nâng tầm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho các sản phẩm sữa, từ đó tạo cơ hội cho trẻ em Việt Nam được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng không thua kém sản phẩm sữa nước ngoài với giá cả hợp lý”.
Việc đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng chất sản phẩm của mình được Vinamilk tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Trong năm 2013, Vinamilk đã đầu tư hai siêu nhà máy sữa lớn hiện đại bậc nhất Thế giới tại tỉnh Bình Dương. Một là Nhà máy sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, hoạt động từ tháng 4/2013 có tổng công suất 54.000 tấn sữa bột/năm sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 700 ngàn trẻ em Việt Nam mỗi năm. Hai là Nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng khánh thành vào tháng 9/2013 có công suất lên đến hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Nhà máy sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại bậc nhất do Tetra Pak, một tập đoàn hàng đầu thế giới của Thụy Điển cung cấp.
Và vươn ra thế giới
Sau hơn 37 năm phát triển, có thể nói Vinamilk đã tạo lập được một thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng. Thị phần của Vinamilk tại Việt Nam trong phân khúc sữa đặc có đường là 75%, sữa nước gần 50%, sữa bột gần 30% và sữa chua lên đến gần 90%. Và nay, Vinamilk còn đang vươn ra một số thị trường khác trên thế giới. Năm 2013, doanh số xuất khẩu của Vinamilk khoảng 230 triệu USD, trong đó riêng thị trường Campuchia vào khoảng 40 - 50 triệu USD, một thị trường đủ tiềm năng để Vinamilk có kế hoạch xây một nhà máy tại đây. Ngoài ra, công ty có cổ phần tại một nhà máy sữa ở New Zealand, không chỉ sản xuất sữa bột phục vụ địa phương sở tại mà còn sản xuất sữa tươi tiệt trùng để cung cấp cho thị trường Việt Nam. Hiện sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 26 quốc gia trên thế giới. Doanh số xuất khẩu trong năm 2013 dự kiến tăng 27% và trong những năm tiếp theo tăng từ 10 - 15%/năm. Theo lũy kế doanh thu xuất khẩu trong vòng 5 năm liên tục, từ năm 2008 - 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk đạt 62%.
Năm 2013, Vinamilk được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào Mỹ, một thị trường đầy tiềm năng nhưng đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Vinamilk thâm nhập vào thị trường khó tính này, để nâng cao vị thế của thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam.
QUỲNH NGUYỄN