- Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong đó yêu cầu phải có Quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Ông có đánh giá gì về chương trình này?
TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong một cuộc hội thảo về Sữa học đường. |
TS. Tống Xuân Chinh: Sau một thời gian dài chờ đợi, từ khi Bộ Y tế trình Chính phủ Đề án Chương trình sữa học đường quốc gia, cuối cùng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đến năm 2020” tại Quyết định 1340/QĐ-TT ngày 8/7/2016.
Đây là một trong những chương trình quốc gia nằm trong chiến lược tổng thể quốc gia nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc của người Việt, trong đó có những ưu tiên hàng đầu cho các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học từ nay đến năm 2020.
Chương trình sữa học đường sẽ nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý quan trọng để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để góp phần thành công cho Chương trình hoàn thành mục tiêu “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”.
- Quyết định này nêu khá rõ về quy định sản phẩm sữa phục vụ Chương trình, theo ông việc cần làm ngay là gì?
TS. Tống Xuân Chinh: Việc cần làm ngay hiện nay là phải xây dựng tiêu chuẩn sữa cho Chương trình, trong đó phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sử dụng 100% sữa bò tươi nguyên liệu, có đường hay không có đường, nếu có đường thì phải quy định tỷ lệ % về khối lượng để có lợi cho sức khỏe trẻ em; có bổ sung vi chất thiết yếu cho học sinh hay không?
Ngoài ra, cũng cần có ngay quy định định mức uống bao nhiêu ml/học sinh/ngày, bao nhiều ngày trên năm; nhãn hiệu sữa học đường ra sao để phân biệt với sữa thông thường cùng loại.
- Một trong những điểm nhấn của Chương trình là sẽ sử dụng sữa tươi đã chế biến, bổ sung vi chất dinh dưỡng, theo ông nguồn lực sữa tươi sản xuất trong nước có đủ để thực hiện?
TS. Tống Xuân Chinh: Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016 tổng số học sinh mẫu giáo là 3.755.000 cháu; tổng số học sinh tiểu học là 7.543.700 cháu; áp dụng định mức 220 ml sữa học đường/ngày/học sinh và uống 260 ngày/học sinh/năm như mô hình của Thái Lan thì cần 587.532 tấn sữa tươi để chế biến sữa học đường.
Năm 2015 vừa qua, tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong năm 2015 là 723.153 tấn, trong đó có một số doanh nghiệp có khả năng cung ứng sữa tươi rất lớn, ví dụ như TH true milk. Vì vậy, tôi khẳng định Việt Nam đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến sữa tươi phục vụ Chương trình.
- Có quan điểm cho rằng, khi triển khai chương trình Sữa học đường với yêu cầu sản phẩm là sữa tươi sẽ thúc đẩy chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
TS. Tống Xuân Chinh: Theo tôi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế của trên 60 nước triển khai chương trình sữa học đường và trên 40 nước triển tổ chức thường niên Ngày sữa học đường thế giới thì Chương trình sữa học đường là động lực quan trọng thúc đẩy chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp sữa và củng cố ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững hơn trong khuôn khổ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.
Cục Chăn nuôi cũng nhận định, để giảm nhập khẩu sữa bột và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sữa thu mua sữa tươi nguyên liệu cho nông dân để chế biến sữa học đường, các chính sách sau đây được khuyến nghị xây dựng và ban hành:
Áp dụng cho 6 vùng sinh thái ở nước ta: Sữa tươi nguyên liệu sản xuất ở vùng nào thì được phân phối, tiêu dùng cho chương trình sữa học đường ở vùng đó. Chính sách này tạo ra sự cân bằng giữa cung và cầu, đồng thời phân bổ nguồn lực công bằng hơn;
Ban hành quy định về cấp quota sản xuất, phân phối sữa cho Chương trình sữa học đường theo nguyên tắc sữa tươi nguyên liệu/sữa học đường = 2/1. Nghĩa là vùng nào sản xuất sữa tươi nguyên liệu được 100 % về sản lượng thì được sử dụng 50% sản lượng sữa vào chương trình sữa học đường để nhận hỗ trợ toàn bộ từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ của Chương trình;
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương trước mắt ưu tiên tập trung cho Chương trình sữa học đường ở 64 huyện nghèo.
Quy định trong văn bản luật về uống sữa học đường là khẩu phần ăn bắt buộc trong bữa trưa hoặc giữa giờ tại các trường nội trú và bán trú; đồng thời cấm bán các sản phẩm nước uống có ga trong trường học.Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu làm cơ sở để giám sát chất lượng đầu vào của sữa học đường và khuyến khích sản xuất, thu mua sữa tươi nguyên liệu theo hợp đồng hoặc sản xuất theo chuỗi như TH true Milk.
- TH true Milk là một tập đoàn đã và đang khẳng định vị thế trong lĩnh vực sản xuất sữa tươi, theo ông, đâu là lợi thế của mô hình này khi triển khai Sữa học đường?
TS. Tống Xuân Chinh: Tập đoàn TH là một doanh nghiệp lớn về chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và chế biến sữa công nghiệp từ sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Sau khi nước ta xây dựng các tiêu chí và tiêu chuẩn về sữa học đường, mà tôi đã kiến nghị ở trên, các doanh nghiệp sữa sẽ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch về thị phần sữa học đường.
Nhưng có một nguyên tắc là doanh nghiệp nào sản xuất sữa tươi nguyên liệu nhiều hơn sẽ có thị phần cao hơn về sữa học đường.
Trong thời gian qua, TH đã đạt được những thành tựu to lớn về chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao, không chỉ ở “ao nhà” mà cả ở “ao người”. Điều này khẳng định một hướng đi chiến lược đúng đắn của Tập đoàn.
Trong thời gian tới, Tập đoàn TH sẽ có vai trò quan trọng trong Chương trình sữa học đường quốc gia và ngành sữa non trẻ của Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!