Sữa Việt Nam

Việt Nam đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển chăn nuôi bò sữa đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng tới xuất khẩu”.

 Đàn bò sữa phát triển mạnh

 

Theo Cục Chăn nuôi, đàn bò sữa nước ta phát triển mạnh, từ 128.000 con (năm 2010) tăng lên 301.000 con (năm 2017), sản lượng sữa đạt 875.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2018, đàn bò sữa cả nước chỉ còn 294.000 con, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng sữa đạt 936.000 tấn (tăng 6,97%).

 

Hiện bò sữa tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 33,35%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,69%), vùng ĐBSCL (12,22%), vùng trung du và miền núi phía Bắc (10,88%), vùng ĐBSH (9,74%), vùng Tây Nguyên (8,12%). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có đàn bò sữa cao nhất cả nước (trên 81.000 con), tiếp đến là Nghệ An (trên 63.000 con), Sơn La (25.000 con).

 

Việt Nam đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa

Đoàn đại biểu tham quan trang trại chăn nuôi bò sữa ở huyện Mộc Châu.

 

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm gần đây, các Cty chăn nuôi bò sữa trên cả nước đã áp dụng nhiều TBKT, công nghệ cao vào chăn nuôi.

 

Do đó, số lượng và chất lượng đàn bò sữa tăng trưởng rất nhanh. Bình quân năng suất sữa cho một chu kỳ từ 7.500 – 8.500kg, nhiều con cho tới 12.000 – 15.000kg. Đặc biệt, bò sữa hoa hậu năm 2018 có năng suất đạt 15.555kg.

 

Sản lượng sữa tươi từ đàn bò trên sản xuất được gần 1 triệu tấn/năm, đáp ứng 39 – 40% nhu cầu sữa của người Việt Nam. Theo thống kê, tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở nước ta đang tăng cao, từ 14kg/người/năm (năm 2010) lên đến 27kg/người/năm (năm 2018). Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, tỷ lệ người dùng sữa nước ta vẫn đang ở mức thấp.

 

“Chăn nuôi bò sữa nước ta đang phát triển tốt và dần tiếp cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỉ đồng (khoảng 4,781 tỉ USD)”, bà Hạnh thông tin thêm.

 

Việt Nam đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn.

 

Tại Sơn La, năm 2018, cả tỉnh có 25.225 con bò sữa, sản lượng sữa đạt trên 83.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2017, đàn bò sữa tăng 13,9%, sản lượng sữa tươi tăng 6,9%, năng suất bình quân 25,18kg/con/ngày. Doanh thu 2018 đạt hơn 2.500 tỉ đồng.

 

Tại diễn đàn, Ban chủ tọa cùng Ban cố vấn đã giải đáp hàng chục câu hỏi cho bà con nông dân đang trực tiếp chăn nuôi bò sữa. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như dịch bệnh, giống, chính sách hỗ trợ…

 

Ngoài ra, áp dụng những TBKT tiên tiến nhất vào chăn nuôi bò sữa như thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò sữa phân định giới tính, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi TMR…  Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chọn lọc đàn bò sữa giống, xây dựng đàn bò hạt nhân để tạo ra đàn bò sữa có năng suất cao, phẩm cấp giống tốt.

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

 

Hiện tại, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến nhiều nước trên thế giới. Ngày 26/4/2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của nước ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỉ dân này.

 

Hiện nước ta đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất bò sữa…

 

Để sữa bò và các sản phẩm từ sữa của nước ta lan rộng hơn nữa ra các nước trong khu vực và thế giới, theo các chuyên gia, người chăn nuôi bò sữa cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học…

 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, để sữa tươi đạt tiêu chuẩn hướng tới xuất khẩu, thì người chăn nuôi bò sữa phải áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn như VietGAHP, GlobalGAP…, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thú y về vệ sinh, phòng bệnh.

 

Ban Chủ tọa cùng Ban cố vấn.

 

Việc áp dụng quy trình VietGAHP, GlobalGAP…, trong chăn nuôi bò sữa sẽ giúp giúp các chủ hộ giám sát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; giám sát được việc truy xuất nguồn gốc… “Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng sữa để xuất khẩu sang các thị trường khó tính”, ông Chinh bộc bạch.

 

“Để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sữa; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh an toàn dịch bệnh hướng xuất khẩu, Cty đã xây dựng mối liên kết lâu dài với người chăn nuôi. Đào tạo, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các hộ. Chỉ đạo công tác vệ sinh thú y từng trang trại…”, ông Phạm Hải Nam, Phó tổng Giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu chia sẻ.

 

Ông Duy cho rằng, muốn xuất khẩu sữa bò, các sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc cần phải tuân thủ các điều kiện như đàn bò không bị nhiễm bệnh LMLM, bệnh Nhiệt thán, bệnh Lao bò trong thời gian thu sữa. Với mong muốn giúp người chăn nuôi bò sữa nắm rõ được các quy định liên quan đến xuất khẩu, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã giới thiệu hệ thống các Luật, các quy định mà phía đối tác yêu cầu. Trong đó, có đối tác Trung Quốc.

 

Bò sữa không được cho ăn các loại thức ăn có bổ sung chất cấm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Sản phẩm sữa không có chất tồn dư thuốc thú y, thuốc BVTV và các hóa chất độc hại…

 

Ngoài ra, các nhà sản xuất sữa sang Trung Quốc phải được chấp thuận và chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu của cả 2 bên về thú y, sức khỏe cộng đồng…

 

Về vấn đề thị trường xuất khẩu, bà Hạ Thúy Hạnh nói thêm, chúng ta cần phải quan tâm đến giống bò, nguồn thức ăn, công tác vệ sinh thú y… Đảm bảo yêu cầu về chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất để sữa, các sản phẩm từ sữa đạt tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Từ đó, mới mở rộng được thị trường xuất khẩu.

 

MAI CHIẾN

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác