Sữa Việt Nam

Xã An Ninh phát triển mô hình nuôi bò sữa

Mô hình nuôi bò sữa ở xã An Ninh, huyện Châu Thành phát triển mạnh vì cho lợi nhuận cao. Xã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo mô hình hộ và trang trại với diện tích 110 ha tại 2 ấp Xà Lan và Phú Ninh phát triển theo hướng bò sữa, vận động hộ dân nuôi thêm bò lai sind để có thể chuyển từ bò thịt sang bò sữa.

 Năm 2009, hộ ông Nguyễn Văn Tài ở ấp Châu Thành, xã An Ninh, được vay 20 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã mua 2 con bò sữa lai về nuôi. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi thành công và chăm sóc tốt mà nay gia đình ông Tài đã có 13 con bò sữa, trong đó 7 con đang cho sữa, mỗi ngày gia đình đều có thu nhập vài trăm ngàn đồng tiền bán sữa.

 

Với hộ anh La Ngô Hoàng ở ấp Xà Lan, xã An Ninh, có 7,5 công ruộng. Lúc đầu mới ra riêng cuộc sống khó khăn, làm ruộng và trồng màu cũng không khá lên được. Đến năm 2009, anh được địa phương giới thiệu mô hình nuôi bò sữa và được vay 20 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mua 2 con bò sữa lai về nuôi. Hiện, gia đình anh Hoàng có 7 con bò, trong đó 3 con đang cho sữa. Sau bao năm vất vả đến nay, anh đã cất được căn nhà khang trang, sang thêm được 15 công đất, trong đó 10 công để làm  lúa, còn 5 công trồng cỏ nuôi bò. Anh Lâm Đại Đồng, nhân viên thú y xã cho biết: “Một năm, chúng tôi thực hiện 2 đợt tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, dê và thường xuyên giám sát dịch bệnh, hỗ trợ bà con kỹ thuật phòng ngừa bệnh trong chăn nuôi”.

 

Xã An Ninh đã thành lập được 2 Tổ hợp tác chăn nuôi bò với 36 thành viên và 4 nhóm Heifer với tổng số 400 con bò, trong đó có 226 con bò sữa. Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là nguồn thức ăn cho bò và điểm thu mua sữa. Ông Phan Thanh Tú, Chủ tịch UBND xã An Ninh, cho biết: “Muốn thực hiện mô hình bò sữa thì phải đảm bảo 3 yếu tố: Vốn đầu tư ban đầu phải có khoảng 100 triệu đồng cho 2 con bò sữa; phải có diện tích đất đủ lớn để trồng cỏ và phải có nhân công, nhưng cái khó của bà con là vốn đầu tư ban đầu”.

 

Những năm gần đây, mô hình nuôi bò ở xã An Ninh đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm cho vùng nông thôn. Để phát triển đàn bò, xã An Ninh đề ra giải pháp như: xây dựng vùng thức ăn tươi phục vụ chăn nuôi, tận dụng các phế phẩm trồng trọt, tập huấn, hướng dẫn hộ nuôi kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn và các phương pháp khác theo yêu cầu của vùng chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó khuyến khích chuyển đổi một số diện tích trồng màu, lúa, cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cỏ, nhằm đáp ứng nhu  cầu phát triển đàn bò của xã. Đến nay, xã đã quy hoạch 500 ha trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò và phối hợp HTX EverGrowth thu mua sữa bò cho nông dân./.  

 

Đài TT huyện Châu Thành

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác