Sữa Việt Nam

Xử lý sai phạm “đen” giúp dòng sữa “trắng”

Sau một thời gian “đá” quả bóng trách nhiệm qua lại, hai Bộ đã được quy trách nhiệm đích danh là Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, làm cơ sở để Bộ Tài chính quản lý giá mặt hàng này. Những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm những sai phạm “đen” nhằm thao túng dòng sữa “trắng” sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 29/9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ông vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần thiết cho trẻ em lại bị “làm giá”.
 
Đối với vấn đề thao túng giá sữa, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Quan điểm của Chính phủ là phải có thái độ nghiêm túc với các vi phạm này. Đối với các doanh nghiệp sữa đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giá, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Sau khi nhận được yêu cầu rõ ràng này của Thủ tưởng Chính phủ, hy vọng việc quản lý giá sữa có lẽ sẽ không còn là “quả bóng” để hai Bộ Tài chính và Y tế “đá qua, đá lại”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đánh giá về vấn đề này Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, hai Bộ trên đang không làm tốt nhiệm vụ của mình: “Rõ ràng là quản lý không tốt. Từ trước đến nay, Bộ Y tế chỉ có thông tư liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống. Như vậy, vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi”.
 
Vấn đề các doanh nghiệp đang tìm cách lách Luật Giá bằng việc đổi tên sản phẩm sữa thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... Chỉ với cách làm đơn giản này, các doanh nghiệp đã thoải mái tăng giá sữa vô tội vạ… khiến báo chí và dư luận bức xúc từ rất lâu nhưng cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế và Bộ Tài chính vẫn “lờ đi” mặc kệ. Thậm chí nhắc đến vấn đề này trên báo Tiền phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế vẫn nhất mực cho rằng chả có gì là “phi lý” hay liên quan đến nhau trong việc các hãng sữa đổi tên và tăng giá: “Việc thay đổi tên gọi không phải là nguyên nhân làm sữa tăng giá. Quản lý giá sữa được quy định từ năm 2008 nhưng đến năm 2013, việc định danh này mới có. Từ đó đến nay, khi chưa có việc đổi tên thì sữa vẫn tăng giá”.
 
Thế mới hay, những mặt hàng nào càng thiết yếu với đời sống người dân, chuyện “thả nổi” không quản lý xảy ra như cơm bữa. Và hình như phải “có lợi” gì đó thì những việc vô lý sờ sờ ra đấy mới bị “bỏ lơ” như vậy, vì người trong cuộc hoàn toàn không thấy có gì… bất hợp lý. Còn chuyện xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm cũng khó đấy, bởi đến như sữa dê Danlait, sau khi phanh phui đủ thứ chuyện “đen” liên quan đến dòng sữa “trắng” cũng không xong, giờ công ty Mạnh Cầm còn dọa sẽ kiện lại cơ quan chức năng vì làm tổn hại thanh danh và thiệt hại kinh tế của công ty. Xem ra, tình hình kinh doanh và giá sữa có thay đổi hay không cũng còn chờ phải có “cuộc chiến” tự thân nào đằng sau hộp sữa, còn nếu giá sữa vẫn vậy thì có nghĩa là một sự “bắt tay” đầy hòa bình vẫn đang tồn tại.
 
Ngân Hà
Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác