TT Sữa ở Việt nam
Giá sữa không chỉ phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cho rằng, việc giảm giá sữa cũng cần phải có lộ trình và phải cân nhắc thời điểm chứ không phải thấy thế giới giảm mà giảm được ngay.
Lương, điện, tỷ giá “đội” chi phí sữa lên cao
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp (DN) từ tháng 6/2014 đến nay ổn định, các nguyên liệu sản xuất sữa có loại tăng, loại giảm, chứ không phải loại nào cũng giảm. Cũng theo Bộ Tài chính, từ tháng 4/2015, giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc có xu hướng giảm (nhưng giảm trong ngắn hạn rồi lại tăng chứ không ổn định).
Mức giá nguyên liệu giảm nêu trên là mức chào bán theo từng phiên giao dịch, trên thực tế các DN sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường, chứ không phải khi giá thế giới chào giảm mà DN đã mua hàng được ngay.
Bên cạnh đó, mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố gây tác động tăng giá như việc lương tối thiểu, tỷ giá, điện tăng... Cụ thể theo phân tích của Bộ Tài chính, việc lương tối thiểu tăng 14% trong năm 2015 khiến chi phí tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đội thêm. Không chỉ vậy, từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) đến nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 4% (3% năm 2015).
Bên cạnh đó, giá điện tăng 7,5% từ tháng 3/2015, theo Bộ Tài chính, cũng khiến chi phí giá sữa bị đội lên, trong khi DN đang thực hiện áp giá trần nên không được tăng giá. Giữ ổn định giá thu mua nguyên liệu cho nông dân Theo dõi số liệu từ thị trường nguyên liệu sữa giao dịch trên thế giới một số phiên gần đây cho thấy, giá bột sữa có giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên đã tăng trở lại hơn 1 tháng nay.
Giá bột sữa, dầu bơ tăng trong 3 phiên liên tiếp với tỷ lệ tăng lần lượt là 14,8% (ngày 14/8), 10,9% (ngày 1/9) và 16,5% (ngày 15/9). Tỷ lệ tăng chi tiết của một số mặt hàng như sau: sữa bột gầy (phiên ngày 15/9, tăng 17%); sữa bột béo (phiên ngày 15/9 tăng 20,6%); dầu bơ (phiên ngày 14/8 tăng 26,6%)…
Cùng với đó, giá một số nguyên liệu như: đường, dầu bơ,… đang tăng cao. Thêm vào đó tỷ giá tăng gây ảnh hưởng đến giá nhập khẩu nguyên vật liệu. Về hình thức giá sữa bán ra không giảm nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều sản phẩm đã có chương trình khuyến mãi nhiều để kích thích tiêu dùng, đây cũng có thể coi là một hình thức giảm giá cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, theo phản ánh của một số DN sản xuất sữa trong nước, hiện các DN này vẫn đang áp dụng chính sách ổn định giá thu mua cho nông dân, chứ chưa giảm giá thu mua theo giá giảm của thế giới để hỗ trợ nông dân và khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi trong nước.
Sản lượng thu mua sữa nguyên liệu của một số DN trong nước với nông dân ngày càng tăng và giá thu mua chưa hề giảm, điển hình như Vinamilk là DN duy nhất bao tiêu thu mua nguyên liệu sữa bò tươi cho nông dân, khác với các DN sữa nước ngoài chỉ nhập khẩu sản phẩm về kinh doanh, hoặc chỉ nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất.
Hiện một số DN có thu mua nguyên liệu sữa từ nông dân cho biết sẽ giữ ổn định giá từ nay đến hết năm 2015, để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển nhằm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu trong tương lai. “Vì vậy, việc giảm giá sữa trong nước cũng cần phải có lộ trình và các DN cũng phải cân nhắc thời điểm chứ không phải thấy thế giới giảm mà họ giảm được ngay, vì giá thành sữa nguyên liệu của nông dân Việt Nam còn khá cao so với giá thành nguyên liệu sữa trên thế giới.
Do đó, DN đang phải hỗ trợ giá thu mua, thêm vào đó DN sản xuất trong nước cũng đang phải áp dụng những chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước về kiểm soát trần giá sữa”, đại diện một DN cho biết.
Thu Trà