Thị trường trong nước
Từ tháng 3/2015 đến nay, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm liên tục, giảm ít nhất 20 – 25%, thậm chí nhiều lúc giảm gần 50%. Nhưng ở Việt Nam (VN), giá sữa thành phẩm đến tay người tiêu dùng không hề giảm, thậm chí còn tăng.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, giá sữa trong nước không thể giảm ngay vì cần có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường. Thế nhưng so với mức đỉnh của tháng 4/2013 là hơn 5.100 USD/tấn, lý giải trên liệu có hợp lý?
Cập nhật thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và báo cáo của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, giá chào bán sữa bột gầy, sữa nguyên kem của thị trường Tây Âu, Châu Úc tăng liên tục nhưng từ tháng 4 đến nay, giá lại giảm khoảng 20%.
Tại Việt Nam, các công ty sữa trong nước đang nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu từ khoảng 25 quốc gia với diễn biến giá cả không rõ ràng, lúc tăng, lúc giảm.
Ví dụ, bột sữa nguyên kem trong tháng 3 giao dịch giá 2,876 USD/kg đã giảm khá mạnh ở thời điểm tháng 6, chỉ còn mức 2,680 USD/kg. Song ngay sau đó, tháng 7 và 8, nguyên liệu này lại tăng lên và chốt ở mức 3,34 USD/kg.
Bột sữa gầy Low Heat vào tháng 4 có mức giá 3 USD/kg, tháng 5 tăng lên mức 5 USD/kg và tháng 8 lại giảm còn mức 2,57 USD/kg.
Một số loại nguyên liệu sữa giảm nhiều so với cách đây 5 tháng, như bột sữa béo giảm từ 3 USD/kg tháng 4, 5 còn 2,7 USD/kg vào tháng 7, 8. Bột sữa bò hàm lượng chất béo trên 1,5% giảm từ 4 USD/kg tháng 3 xuống còn 2,6 USD/kg kể từ tháng 6 đến tháng 8. Bột sữa gầy chưa pha thêm đường có chất béo dưới 1,5% cũng giảm từ 2,7 USD/kg xuống còn 2,3 USD/kg.
Giá sữa không giảm cho các chi phí phát sinh cao
Theo Hiệp hội Sữa VN, sữa nguyên liệu ngoại nhập hiện đang chiếm hơn 70% thị trường VN với giá trị nhập khẩu hằng năm ở mức gần 1 tỉ USD. Giá nguyên liệu sữa đang giảm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm 5-10% vào năm 2018 nhờ vào yếu tố giảm thuế theo lộ trình cam kết của VN với một số nước trong các hiệp định thương mại tự do như New Zealand, Úc…
Theo nhận định của Đại diện một công ty Sữa tại Việt Nam, trong bối cảnh này không thể giảm giá sữa. “Tiền thuê mặt bằng, điện, nước… của đại lý tăng, lợi nhuận cho người bán hàng cũng phải tăng để trang trải các chi phí. Nhà sản xuất vì vậy phải điều chỉnh lợi nhuận cho người bán cao hơn”. Vị đại diện này cho hay.
Tháng 4/2015, khoảng 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi đã được một số siêu thị sớm điều chỉnh giảm giá theo quy định của Bộ Tài chính sau khi chi phí quảng cáo được phép loại bỏ ra khỏi giá thành sữa.
Việc ép buộc này làm giá bán của 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi của các nhà cung cấp Nestlé, Tiên Tiến (Mead Johnson), Danone và FCV, gồm các nhãn hàng Pro.Gold, Nan Gro, Enfamil A+, Enfagrow A+, Dumex, Friso, Ducht Lady… đã giảm từ 0,8 – 4%, tức chỉ giảm hơn 1.000 đồng/hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng, một mức giảm “gây sốc” với người tiêu dùng thời điểm đó.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá sữa chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác đã tăng lên như lương tối thiểu đã tăng 14%, tỷ giá tăng 4%, giá điện đã tăng 7,5% và chi phí quảng cáo, khuyến mại tăng do quy định khống chế ở mức 15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp trước đây đã bị dỡ bỏ. Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm giá nguyên liệu thế giới như trên tác động đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể, cộng với các yếu tố tăng nên giá sữa trong nước không giảm.
Mặt khác, vừa qua, cũng có thời điểm thị trường hình thành các chi phí đẩy dẫn đến các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá, song cơ quan quản lý giá đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí, giữ bình ổn giá.
Có nên thực hiện bình ổn giá sữa
Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12 – 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường Úc, với biên độ giảm từ 30 – 35% so với tháng trước.
Nguyên nhân của việc sữa nguyên liệu giảm được cho là do nguồn cung sữa hiện vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là tin vui đối với 10 triệu trẻ em đang dùng sữa trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của người tiêu dùng, giá của hơn 700 sản phẩm sữa trong nước vẫn đứng im. Nghịch lý này càng đáng nói hơn khi thị trường sữa Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Khẳng định với người tiêu dùng, Bộ Tài chính cho hay, với quyết định áp giá trần từ tháng 6/2014 đến hết năm 2016, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường, Bộ Tài chính khẳng định.
Huyền Cao