Thị trường trong nước
Khi giá nguyên liệu sữa có biểu hiện nhích lên một chút, doanh nghiệp rục rịch tăng giá sản phẩm. Nông dân thì mong muốn giá sữa nguyên liệu sẽ được đẩy lên cao. Song “cuộc đời không đẹp như mơ” và sữa ngọt ngào, còn giá thì chứa vị... đắng.
Ngậm miệng ăn tiền?
Cách đây 3 tháng, tháng 6/2015, tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn cho rằng, giá sữa của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia..
Cũng trong 3 tháng trở lại đây, trên các phiên giao dịch của sàn giao dịch sữa toàn cầu, được vận hành bởi tập đoàn Fonterra (New Zealand), nguồn đóng góp gần 2/3 vào mậu dịch sữa toàn cầu cho thấy, trong 2 tháng nay, giá sữa trên thế giới đã giảm đến 40%. Cũng trong bối cảnh đó, nhiều người tiêu dùng Việt hy vọng, giá sữa trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra hoàn toàn khác.
Theo khảo sát của PV, tại các cửa hàng, đại lý sữa lớn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ (TP. Hà Nội), giá sữa cho trẻ nhỏ từ 0 -6 tháng tuổi hầu như giữ nguyên từ tháng 6/2014 đến nay. Chẳng hạn, sữa Friso Gold 1 loại 900gr dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi vẫn ở mức 446 nghìn đồng/hộp như trước.
Khi được hỏi về giá sữa thế giới giảm nhưng sao giá trong nước không giảm, nhân viên bán hàng đều trả lời rằng, giá nguyên liệu không giảm hoặc giá từ... châu Âu nên vẫn vậy.
Anh Trần Trung Kiên – chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Văn Cừ - Long Biên cho biết, hiện tại giá sữa Enfamil A+ Gentle Care 900gr niêm yết là 543.488 đồng/hộp, Enfamil A+ Gentle Care 3 900gr là 525.008 đồng/hộp, Enfagrow A+ Gentle Care 4 900gr là 488.356 đồng/hộp. Cũng theo một số cửa hàng sữa trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, TP.Hà Nội), Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), Sơn Tây (quận Đống Đa), giá sữa được bày bán không chênh so với mức giá trần. Thậm chí, giá một số sản phẩm sữa còn tăng. Hầu hết, chủ cửa hàng sữa đều lý giải rằng, thị trường quốc tế tăng và Việt Nam cũng tăng. Tuy nhiên, 2 tháng nay, khi nguyên liệu sữa giảm thì doanh nghiệp phân phối sữa lại cho rằng, do nguyên liệu thế giới tăng (?).
Một thống kê của hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, sữa nguyên liệu ngoại nhập đang chiếm hơn 70% thị trường trong nước. Giá nguyên liệu sữa đang giảm và được dự báo tiếp tục giảm 5-10% vào năm 2018 nhờ vào yếu tố giảm thuế theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do với New Zealand, Australia...
Càng lý giải càng... thiếu minh bạch
Thông tin giá sữa thế giới giảm nhưng giá sữa trong nước không giảm khiến đa phần người tiêu dùng bức xúc. Anh Lê Văn Tú (Gia Lâm, Hà Nội) bức xúc: “Tôi nhớ không nhầm thì thông tin mặt hàng sữa được đưa vào diện bình ổn mới chỉ được công bố cách đây không lâu. Vậy không hiểu bình ổn thế nào mà giá sữa lại tăng ngay lập tức và tăng mạnh đến như vậy. Đến khi giá sữa thế giới giảm thì gia đình tôi và nhiều gia đình khác vẫn phải mua theo lúc giá sữa tăng cao. Tôi thật sự choáng váng và không thể hiểu nổi”.
Còn chị Nguyễn Thị Huyền (chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội) thì: “Năm ngoái, vì giá sữa liên tục tăng cao đã khiến tôi phải đổi từ sữa ngoại sang sữa nội để tiết kiệm một phần chi phí. Năm nay, sữa giảm, tôi đi mua thấy vẫn thế. Thật không hiểu được cái gọi là bình ổn giá nữa. Hỏi nhân viên bán hàng, họ bảo vẫn thế”.
Trước thông tin giá sữa có nhiều biến động, theo Cục trưởng cục Quản lý giá (bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn thì, qua theo dõi, cập nhật thông tin từ bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và báo cáo của bộ Công Thương, giá chào bán nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem...) của thị trường Tây Âu, châu Úc tăng liên tục 3 tháng đầu năm, nhưng từ tháng Tư đến nay giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, sự giảm giá này chỉ là mức giá chào bán.
Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất sữa phải chịu thêm chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng... Trước diễn biến về giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, từ đầu năm chưa có doanh nghiệp nào kiến nghị về giá sữa. Còn theo cục Quản lý giá, mặc dù từ tháng Tư đến nay, giá nguyên liệu sữa có xu hướng giảm khoảng 20%, nhưng đó chỉ là mức giá chào bán. Ngoài ra, mặt hàng sữa thành phẩm cho trẻ em còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố tăng giá khác như lương tối thiểu vùng, tỉ giá, yếu tố chi phí quảng cáo, khuyến mại...
Vì thế bộ Tài chính kết luận, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ giữ ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường. Như vậy sau rất nhiều tranh cãi về giá sữa, rốt cuộc người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận giá sữa hiện đang được bán trên thị trường từ nay đến hết năm sau.
Nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi vì sao và bằng cách nào mà phản ứng chậm chạp này của doanh nghiệp vẫn được các cơ quan quản lý chấp nhận và coi đó như là một sự thật hiển nhiên, trong khi đó luật Giá của chúng ta đã được hoàn thiện và quy định rất rõ ràng rằng, khi có biến động về giá, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp kê khai, giải thích?
Với những diễn biến đang diễn ra trên thị trường sữa và những giải thích kiểu... “tại vì cái này, tại vì cái kia”, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp bình ổn giá đang được thực hiện. Người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về vai trò kiểm soát và điều tiết giá theo thị trường và dường như phương pháp này đang bị các doanh nghiệp lợi dụng như là một cái cớ để duy trì giá sữa theo hướng có lợi cho mình.
Cơ quan quản lý giá thay vì là người chủ động điều tiết giá của các doanh nghiệp thì nay lại trở nên thụ động và bị các doanh nghiệp dẫn dắt dựa trên chính những quy định của cơ quan này. Còn người tiêu dùng thì tha hồ bị “móc túi” ngay trên miệng còn hơi sữa của trẻ nhỏ, còn người nông dân thì vẫn đánh vật với hy vọng.