Thị trường trong nước
Giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm sâu đang khiến người tiêu dùng hy vọng về việc giá sữa sẽ hạ xuống, thì thông tin mới nhất được phát đi từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại khẳng định, giá sữa sẽ không giảm đến hết năm 2016, nếu không có yếu tố bất thường.
Theo Cục Quản lý giá, giá sữa sản xuất trong nước chịu tác động của giá nguyên liệu sữa thế giới, các chi phí đầu vào của sản xuất trong nước (chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán hàng, nhân công...); giá sữa nhập khẩu thành phẩm chịu tác động của giá nhập khẩu thành phẩm và các chi phí phân phối.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện tại ổn định là do nguồn nguyên liệu tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm và từ tháng 4 đến nay, giá sữa nguyên liệu tại hai thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Australia và Tây Âu đã giảm khoảng 20%.
Tuy nhiên, mức giảm nêu trên là mức giá chào bán hiện tại, trong khi sản phẩm của các nhà sản xuất được tính trên giá thành nhập khẩu nguyên liệu từ trước đó. Giải thích cho câu chuyện “giá sữa sẽ không giảm cho đến hết năm 2016, nếu không có những yếu tố bất thường”, ông Tuấn cho rằng, trên thực tế, mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố ngoài nguyên liệu, trong đó có những yếu tố làm tăng chi phí đầu vào như điều chỉnh lương tối thiểu vùng, giá điện, nước và biến động tỷ giá.
Đơn cử, từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) tính đến thời điểm hiện nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 4%, kèm theo các yếu tố như chi phí quảng cáo, khuyến mại, giá điện…
“Bộ Tài chính đánh giá, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường”, ông Tuấn khẳng định thêm. Tại nội địa, Vinamilk, nhà sản xuất và cung ứng sữa bột lớn nhất cũng khẳng định, giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm, nhưng như vậy không có nghĩa cứ giá nguyên liệu giảm là giá sữa giảm theo.
Đại diện Vinamilk cho hay, doanh nghiệp này thời gian qua đã thực hiện bình ổn giá sữa theo các nghị quyết của Chính phủ và tiết giảm chi phí, giúp giảm giá thành các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 0,1 - 34% so với trước khi thực hiện bình ổn giá… Cụ thể, tính đến nay, đã có 715 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được các cơ quan quản lý giá công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai của doanh nghiệp, với mức giảm từ 0,1 - 34%.
Khoảng 70% trong số này, có mức giảm phổ biến từ 15 đến 20%. Theo lý giải của các doanh nghiệp sản xuất sữa, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, giá nguyên liệu chiếm khoảng 40%, trong đó riêng hai loại nguyên liệu chính là sữa bột gầy và sữa bột béo chỉ chiếm khoảng 20%.
Như vậy, 60% còn lại trong cơ cấu giá là các chi phí khác có liên quan, như lương tối thiểu vùng tăng 14%; tỷ giá từ đầu năm đến nay cũng được điều chỉnh thêm 5%; trần chi phí quảng cáo, khuyến mại (15% tổng chi phí hoạt động của DN) đã được dỡ bỏ; giá điện tăng khoảng 7,5% từ tháng 3 vừa qua...
Trong khi đó theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên liệu sữa nhập khẩu vào Việt Nam từ 25 quốc gia khác nhau, với rất nhiều loại, gồm: bột whey, bột váng sữa, đường lactose, sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem..., có loại giảm, có loại tăng. Như vậy, thị trường sữa bột trong sẽ vẫn ở mặt bằng giá như hiện tại và người tiêu dùng sẽ khó có cơ hội được giảm giá sữa.
Thế Hải