Định nghĩa và phân loại sữa

Sữa gầy là gì?

Sữa và các sản phẩm từ sữa đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Trên nhãn mác một số sản phẩm từ sữa người tiêu dùng thấy có chữ "sữa gầy". Nhiều người cho rằng đó là sản phẩm dành cho những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm béo. Sự thực thì không hoàn toàn như thế.

Trong thành phần tự nhiên của sữa bò tươi luôn có một lượng chất béo sữa (kem). Lượng chất béo này có thể thay đổi tùy theo mùa và chế độ dinh dưỡng của con bò, nhưng luôn ở trong khoảng 3-4%. Tùy theo mục đích sử dụng, sữa tươi sẽ được điều chỉnh độ béo và chia ra 3 loại như sau:

- Sữa nguyên kem (full-cream milk - sữa toàn phần hay sữa béo): có hàm lượng chất béo trên 3,2%.

- Sữa ít béo (semi-skimmed milk - sữa tách bơ một phần): có hàm lượng chất béo từ 1 đến 1,8%.

- Sữa gầy (skimmed milk - sữa tách bơ): có hàm lượng chất béo không quá 1%.

Sau đó các loại sữa trên mới được đưa đi chế biến thành các loại sữa tươi, sữa đặc, sữa bột... và các sản phẩm từ sữa.

Theo tiêu chuẩn trên, ta thấy sữa gầy có hàm lượng béo thấp nhất nên nhiều người tiêu dùng cho rằng đây là loại sữa chỉ để giúp giảm cân hay ăn kiêng cho người béo phì. Thực chất, sữa là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao và hoàn hảo. Đây là một nguồn cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất, nhất là canxi sữa rất tốt cho cơ thể. Đặc biệt đạm sữa có giá trị sinh học rất cao nhờ vào hàm lượng lý tưởng của các acid amin thiết yếu và được cơ thể hấp thu toàn bộ. Vì vậy, sữa, dù là sữa gầy vẫn luôn là một nguồn dinh dưỡng quan trọng cho con người.

Sữa gầy thường được dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm sữa, bột... dành cho trẻ nhỏ vì đã được tách chất béo sữa, là loại thức ăn khó tiêu đối với trẻ nhỏ. Để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ, nhà sản xuất thường bổ sung chất béo thực vật, vừa giúp trẻ dễ tiêu hóa vừa đảm bảo hàm lượng chất béo trong sản phẩm.

Các sản phẩm khác có sử dụng sữa gầy cũng còn có các thành phần khác đi kèm như dầu thực vật, vitamin, khoáng chất, bột ngũ cốc... nên giá trị dinh dưỡng của sản phẩm dựa trên tổng giá trị của các chất dinh dưỡng có trong sản phẩm. Chúng ta cần phải tìm hiểu hết mọi thành phần của sản phẩm và nhất là tham khảo thêm bảng thông tin dinh dưỡng mới hiểu được giá trị dinh dưỡng của từng sản phẩm chứ không nên căn cứ trên một thành phần duy nhất dẫn đến hiểu lầm và sử dụng sai mục đích.

Nguồn: SGTT.VN
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác