Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách

Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH
 

Về một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Bình Định

(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 23/5/2001, được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 72/2002/QĐ-UB ngày 05/7/2002 và Quyết định số 174/2002/QĐ-UB ngày 19/11/2002 của UBND tỉnh Bình Định)

  

Chương I

 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm khuyến khích chăn nuôi bò sữa hàng hóa,gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sữa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2005 toàn tỉnh có 500 bò cái vắt sữa và đến 2010 có 3.500 bò cái vắt sữa.

Điều 2(điều chỉnh): Chính sách này áp dụng cho tất cả các vùng có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi bò sữa.

Điều 3: Ngoài việc hưởng ưu đãi theo chính sách này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có lai tạo giống và chăn nuôi bò sữa còn được hưởng các ưu đãi khác có liên quan theo quy định của chính sách, pháp luật hiện hành.

  

 Chương II 

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 4: Về đất đai.

 

- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa được cấp có thẩm quyền ưu tiên giao quyền sử dụng hoặc cho thuê đất ổn định, lâu dài để lập trang trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Quy mô đất được giao hoặc cho thuê căn cứ vào quỹ đất và khả năng phát triển chăn nuôi bò của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

- Khuyến khích các hộ nông dân chuyển những diện tích đất trồng trọt năng suất thấp hoặc kinh doanh kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn cho bò.

 

Điều 5: Về giống bò sữa.

1- Đối với giống bò sữa lai tạo trong tỉnh:

- Nhà nước đầu tư tinh bò sữa cao sản chất lượng tốt, trang thiết bị, vật tư kỹ thuật để lai tạo giống bò sữa và đào tạo cán bộ kỹ thuật truyền tinh nhân tạo bò.

- Nhà nước hỗ trợ vật tư phối giống để có kết quả theo định mức cho 1 con bê như sau:

+ Nitơ để bảo quản tinh dịch bò      : 2 lít

+ Tinh đông lạnh bò sữa                : 2 liều

+ Dụng cụ truyền tinh                    : 2 bộ

+ Hỗ trợ 50% tiền công phối giống  : 15.000 đồng/ cho 1 bê sữa đẻ ra

+ Hỗ trợ bê đực đẻ ra    : 200.000 đồng / 1 bê đực giống sữa 18 tháng tuổi.

- Tất cả các gia đình có bò cái nền có trọng lượng 220kg trở lên, đẻ từ lứa 2 trở đi, đủ tiêu chuẩn giống và nằm trong vùng quy hoạch của dự án đều được hưởng sự hỗ trợ này.

2. Đối với giống bò sữa nhập về tỉnh:

- Trong 3 năm đầu đối với các mô hình khuyến nông: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho mượn bò cái giống sữa để gây đàn, người nuôi hoàn trả lại cho Nhà nước 1 bê cái giống sữa đẻ ra đầu tiên, nuôi đến 18 tháng tuổi; trước mắt ưu tiên cho các gia đình tự bỏ vốn (hoặc vay vốn) để mua bò sữa.

- Nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự mua bò giống sữa thì được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh với chế độ ưu đãi; ngân sách tỉnh hỗ trợ 1/3 lãi suất so với lãi suất vay ưu đãi quy định ở từng thời điểm trong 3 năm đầu kể từ khi ban hành chính sách này.

3 - Phần bổ sung: Hỗ trợ tiền công phối giống bò sữa cho 1 bê sữa sinh ra là 20.000 đ/ con đối với vùng đồng bằng, 30.000 đ/ con đối với vùng khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và của tỉnh (ngoài mức hỗ trợ 15.000 đ/ con của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành) để khuyến khích cán bộ kỹ thuật dẫn tinh tăng cường phối giống bò sữa. Ngoài phần Nhà nước hỗ trợ này, nếu thấy cần thiết UBND các huyện, thành phố quy định mức thu thêm tiền công của dân đóng góp (trừ các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và của tỉnh).

 

Điều 6: Về thức ăn.

- Khuyến khích các trang tại, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi bò sữa tận dụng đất đai hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp trồng cây kém hiệu quả sang trồng, thâm canh cỏ để chăn nuôi bò sữa; phấn đấu mỗi bò sữa có 500m2 cỏ trồng. ưu tiên kinh phí khuyến nông để xây dựng các mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh cỏ cao sản, về chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp... để làm thức ăn cho bò sữa.

- Nhà nước hỗ trợ, cung cấp giống cỏ cao sản cho các trang trại, hộ gia đình, cá nhân để phát triển đồng cỏ theo quy hoạch, quy mô đàn từng nơi. Mức hỗ trợ cho mỗi bò sữa một lần là 50m2 giống cỏ để nhân trồng, bảo đảm 1 bò sữa có 500m2 cỏ trồng.

 

Điều 7: Về thú y, phòng ngừa dịch bệnh.

1- Nhà nước chỉ đạo xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở những vùng chăn nuôi bò sữa. Trong 3 năm đầu kể từ khi triển khai dự án, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng định kỳ vaccin lở mồm long móng; kiểm tra, xét nghiệm định kỳ các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng và sản khoa cho đàn bò sữa.

2- Nhà nước tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi việc phòng, trị bệnh đối với bò sữa, vệ sinh thú y đối với sản phẩm sữa.

 

Điều 8: Về khuyến nông chăn nuôi bò sữa.

1- Nhà nước hỗ trợ:

- Đào tạo chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật chăn nuôi - thú y cơ sở về quy trình chăn nuôi, khai thác, bảo quản sữa, điều trị và phòng ngừa các loại bệnh thường xảy ra đối với bò sữa.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho người chăn nuôi về quy trình chăn nuôi bò sữa, cách chế biến thức ăn, kỹ thuật thâm canh và xây dựng đồng cỏ trồng, phòng ngừa dịch bệnh cho bò sữa, khai thác, bảo quản sữa...

2- Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng các mô hình trình diễn về:

- Quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc bò sữa.

- Khai thác, bảo quản sữa tươi.

- Cách chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi bò sữa.

- Trồng và thâm canh các giống cỏ cao sản để chăn nuôi bò sữa.

3- Trong 3 năm đầu Nhà nước tổ chức cho các hộ đã chăn nuôi hoặc có nhu cầu chăn nuôi bò sữa đi tham quan, học tập kinh nghiệm các địa phương có phong trào chăn nuôi bò sữa tốt để vận dụng vào thực tiễn ở địa phương mình.

4- Nhà nước tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách để phát triển chăn nuôi bò sữa, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, tổ chức các hội nghị, hội thảo, biên soạn các tài liệu, phim ảnh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa để cung cấp cho người chăn nuôi và cán bộ kỹ thuật ở cơ sở; hàng năm tổ chức các hội thi giữa các gia đình chăn nuôi bò sữa giỏi, có năng suất, chất lượng và hiệu quả, khen thưởng kịp thời những gia đình, cá nhân này.

5- Nhà nước đầu tư ngân sách để thực hiện các đề tài nghiên cứu, sản xuất thử, thử nghiệm về chăn nuôi bò sữa.

6- Về cán bộ khuyến nông chăn nuôi bò sữa:

- Trong 3 năm đầu cứ 30 đến 50 con bò sữa cần có 1 cán bộ khuyến nông chăn nuôi.

- Trong 3 năm đầu kể từ khi bắt đầu triển khai dự án, khuyến nông viên chăn nuôi bò sữa được hỗ trợ tiền lương bằng mức lương tối thiểu do ngân sách huyện, thành phố chi trả.

 

Điều 9: Chính sách về thuế.

1- ưu tiên 3 năm đầu kể từ khi bắt đầu chăn nuôi bò sữa, Nhà nước hỗ trợ thuế sử dụng đất nông nghiệp và miễn thu thủy lợi phí trên diện tích trồng cỏ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi bò sữa.

2- Các chính sách ưu đãi thuế khác thực hiện như quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các luật thuế hiện hành.

 

Điều 10 (điều chỉnh): Cho vay ưu đãi đối với chăn nuôi bò sữa:

1- Nhà nước xem xét để cho vay ưu đãi theo khả năng cân đối nguồn vốn hàng năm; nếu vay từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, quy định như sau:

a) Mức vay:

- Cho vay 10 triệu đồng/con bò sữa để mua bò sữa giống trong nước, trong tỉnh

- Cho vay 15 triệu đồng/con bò sữa để mua bò sữa giống nhập từ nước ngoài.

b) Quy mô vay:

- Các hộ gia đình được vay mua từ 02 - 10 con bò sữa/hộ.

- Các trang trại được vay mua từ 10 - 20 con bò sữa. Riêng các trang trại bò sữa đầu tư tại các khu chăn nuôi tập trung được xem xét để cho vay ưu đãi theo dự án được duyệt và thực hiện chính sách ưu đãi riêng đối với khu chăn nuôi tập trung.

c) Thời hạn cho vay là 6 năm, ân hạn 2 năm đầu và trong đó có 01 năm không tính lãi suất.

2- Nếu vay từ các ngân hàng thương mại thì mức vay đảm bảo đủ mua bò sữa với số lượng theo thỏa thuận của ngân hàng cho vay và được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất 01 năm đầu, bù chênh lệch lãi suất vay giữa ngân hàng cho vay và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh cho những năm sau. Mức hỗ trợ lãi suất và bù chênh lệch lãi suất chỉ tính ở mức vay nêu tại điểm 1 nêu trên. Về thời gian ân hạn, giao chủ dự án làm việc các ngân hàng thương mại để xem xét thỏa thuận.

Điều 11: Về chế biến, tiêu thụ sản phẩm sữa tươi.

1- Xí nghiệp liên doanh chế biến sữa Quy Nhơn thuộc Công ty sữa Vinamilk bảo đảm thu mua hết sữa tươi với giá thích hợp, bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi.

2- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, HTX, cá nhân làm dịch vụ thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sữa tươi cho nông dân.

  

Chương III 

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 12: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để tổ chức triển khai thực hiện tốt những việc sau:

1- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện, thành phố chủ trì quy hoạch, xây dựng vùng giống và chăn nuôi bò sữa; chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa theo chủ trương của UBND tỉnh.

2- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối ngân sách hàng năm, bảo đảm kinh phí để thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa và chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa đã ban hành.

3- Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo hướng dẫn các thủ tục cho vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò sữa.

4- UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch lai tạo, phát triển chăn nuôi bò sữa; hàng năm cân đối từ ngân sách địa phương để hỗ trợ triển khai, thực hiện dự án lai tạo và phát triển đàn bò sữa ở huyện, thành phố mình ./.

  

QUY ĐỊNH (Bổ sung)

 

Điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Định

 

 

(Theo Quyết định số 86/2004/QĐ-UB ngày13/9/2004 của UBND tỉnh Bình Định)

Điều 1: Quy định điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Định đến năm 2010 theo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) tại Hội nghị lần thứ 58 (1), cụ thể như sau:

1- Nhà nước quy hoạch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung.

2- Hỗ trợ 50% lãi suất vay trong 03 năm (36 tháng) nhưng không quá 5,5%/năm đối với các dự án được duyệt và triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2006 (kể cả các khu chăn nuôi tập trung và các dự án riêng lẻ nhưng có số lượng bò sữa từ 10 con trở lên).

3- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí công phối giống, vật tư phối giống để lai tạo đàn bò sữa ở các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn. Nếu lai tạo mà sinh ra bê đực thì người chăn nuôi được hỗ trợ 200.000 đồng/con.

4- Các bê sữa lai tạo ra ở trong tỉnh được tự do tiêu thụ.

Điều 2: Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ban, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

.Điều3: Quyết định này điều chỉnh, bổ sung Quyết định số Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 23/5/2001, Quyết định số 72/2002/QĐ-UB ngày 05/7/2002 và Quyết định số 27/2003/QĐ-UB ngày 18/02/2003 của UBND tỉnh.

Bổ sung: Hỗ trợ 50% phí bảo hiểm chăn nuôI bò sữa cho các hộ chăn nuôI bò sữa trong tỉnh

 

(Theo Quyết định số 108/2004/QĐ-UB ngày 25/10/2004 của UBND tỉnh Bình Định)

Nguồn: ubndbinhdinh.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác