Góc nhìn chuyên gia

Nuôi bò sữa thất bát vì quản lý kém
Giá sữa rẻ hơn… nước lọc, nông dân bị ép giá, đàn bò sữa giảm mạnh là những vấn đề nóng bỏng tại Hội nghị đánh giá tình tình chăn nuôi bò sữa diễn ra hôm qua (15/8).

Hội nghị tại Long An với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ NN&PT, đại diện 33 tỉnh thành có chăn nuôi bò sữa cùng các nhà chế biến, kinh doanh sữa và chăn nuôi bò sữa…trên toàn quốc.

Bò sữa mang thai cũng phải... thịt (!)

“Nếu lơ tơ mơ, chỉ vài năm nữa chúng ta lại trở về vạch xuất phát”- Ông Nguyễn Đăng Vang- Cục trưởng cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) “nổ phát súng” đầu tiên cảnh báo về tình trạng giảm mạnh đàn bò sữa trên toàn quốc thời gian gần đây, mà trước đó các địa phương đã phải hết sức nỗ lực trong thời gian dài mới có được.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2006, lượng bò sữa tại một số địa phương giảm rất mạnh như Trà Vinh: Từ 232 còn 45 con; Đồng Tháp: 486 còn 259 con; Thái Nguyên: 491 còn 271 con; Phú Thọ: 592 còn 188 con…

Nguyên nhân khiến đàn bò sữa giảm vì chi phí đầu vào cao trong khi giá sữa bán lại quá thấp (thấp nhất so với các nước trong khu vực), bình quân 4.000 đồng/kg. Sau khi trừ phí vận chuyển, bảo quản tại trạm thu gom, người dân chỉ còn lại 3.500-3.650 đồng/kg.

“Một lít sữa chỉ bằng 2/3 lít nước lọc là quá vô lý”- Ông Nguyễn Nam Vinh, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thốt lên. Theo Cục chăn nuôi, bình quân trên toàn quốc một con bò giống (trị giá 20 triệu đồng) mỗi năm người chăn nuôi chỉ lãi được 251.000 đồng, riêng tại TP.Hồ Chí Minh lãi 570.000 đồng.

Vì lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ nên nhiều hộ chăn nuôi bò phải bán đổ bán tháo bò để thoát nợ. Ông Vang còn đưa ra những dẫn chứng đau xót tại một số địa phương mà ông đã đi thị sát một ngày trước đó: Bò sữa đang mang thai cũng phải bán để lấy thịt.

Buông... sữa

Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân phải bỏ bò xuất phát từ khâu quản lý yếu kém. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tìm ra lối thoát cho nông dân và ngành chế biến sữa”- Ông Nguyễn Đăng Vang hứa sau khi thừa nhận hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giúp nông dân duy trì và phát triển đàn bò sữa.

Thị trường sữa và giá sữa trong nước hiện nay đều do các đơn vị thu mua, nhập khẩu và chế biến sữa quyết định. Hiện tại, khoảng 70% sản lượng sữa tiêu thụ trên thị trường có nguồn gốc từ sữa bột. Do nguồn sữa tươi nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên các đơn vị chế biến kinh doanh sữa phải nhập khẩu sữa từ các nước.

Tuy nhiên, một mặt Nhà nước chỉ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột; mặt khác trên nhãn, bao bì lại không bắt buộc ghi tỷ lệ, thành phần sữa các loại (sữa bột, sữa tươi) có trong sữa thành phẩm; hoặc bắt buộc nhưng không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Lợi dụng sơ hở này, các doanh nghiệp thường ghi lập lờ hoặc không ghi thành phần sữa trên nhãn. Một nhà khoa học tiết lộ, tình trạng tệ hại nhưng khá phổ biến hiện nay là có doanh nghiệp lấy sữa bột đổ nước vào khuấy lên, đóng gói rồi ghi ngoài bao bì là sữa tươi tiệt trùng hoặc sữa tươi thanh trùng.

Đó cũng là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tiêu thụ sữa của nông dân hoặc tiêu thụ trong tình trạng miễn cưỡng, ép giá.

Đại diện một số doanh nghiệp nại lý do không có sữa để thu mua, trong khi không ít nông dân lại khẳng định sữa làm ra nhưng không có DN đến mua. Những người chăn nuôi bò sữa đang bị thiệt đơn thiệt kép bởi sự buông lỏng quản lý của các cơ quan hữu quan.     

Cần quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa

Ông Huỳnh Văn Công Dư- chủ trang trại bò sữa tại Bến Cát (tỉnh Bình Dương) kể trong bức xúc: Năm 1998 tôi bắt đầu khởi nghiệp chăn nuôi 30 con bò sữa, tại huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Chỉ một thời gian sau, nơi tôi nuôi bò bị đô thị hóa nên phải dời đàn bò lên Bến Cát.

Tại đây tôi phát triển nhanh đàn bò và hiện có 210 con, trong đó 85 con đang cho sữa. Song, chỗ tôi đang nuôi bò lại hình thành một khu công nghiệp buộc tôi phải dời đi một lần nữa, nhưng đi đâu thì vẫn chưa thể biết vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố…

“Tại sao một đất nước có 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp lại không quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp, đặc biệt các khu chăn nuôi bò sữa?’- Ông Dư đặt vấn đề.

Từ thực tế trước đây cho thấy vì phát triển đàn bò sữa quá “nóng” nên dẫn đến tình trạng thiếu đất trồng cỏ và phụ phẩm. “Thức ăn thô chiếm ¾ lượng thức ăn của bò nhưng phải đi mua thì làm sao có lãi?”- ông Dư nói.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác