Kinh tế - Thị trường
176 nhãn hàng sữa đồng loạt công bố giảm giá
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhận được hồ sơ đăng ký giá sữa của bốn doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam; Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam; Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam.
Trong đó, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam đăng ký giá bán 34 sản phẩm, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đăng ký giá bán 18 sản phẩm, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam đăng ký giá bán 42 sản phẩm và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đăng ký giá bán 47 sản phẩm. Tổng cộng, có 141 sản phẩm sữa được đăng ký giá với cơ quan quản lý. Mức thấp nhất là sữa Enfagrow A+4, trọng lượng 400 g với 145.497 đồng/hộp, cao nhất là Enfagrow A+3, trọng lượng 360 Brain Plus 1.800 g với 699.435 đồng/hộp.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức giá bán buôn mà doanh nghiệp đăng ký thấp hơn so với giá trần do Bộ Tài chính quy định khoảng 50.000-80.000 đồng/hộp tùy từng sản phẩm.
Đơn cử như, một hộp sữa Similac Gain Plus IQ 900 g được doanh nghiệp công bố giá bán buôn 405.000 đồng, thấp hơn 83.000 đồng/hộp so với mức giá trần bán buôn do bộ quy định là 488.000 đồng/hộp. Grow G-Power vanilla 900 g có giá bán buôn do doanh nghiệp công bố là 360.000 đồng/hộp, thấp hơn 60.000 đồng/hộp so với giá trần do bộ quy định là 420.000 đồng/hộp....
Ngoài giá bán buôn, các doanh nghiệp cũng khuyến nghị giá bán lẻ, như sữa Similac Gain Plus IQ 900 g được khuyến nghị giá bán lẻ là 425.000 đồng/hộp, Grow G-Power vanilla 900 g 378.000 đồng/hộp...
Cũng trong ngày hôm qua 11/6, Sở Tài chính TPHCM công bố giá đăng ký bán buôn tối đa với 30 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) do Sở quản lý. Các dòng sản phẩm này có mức giảm giá tương đối từ 6 - 13%, còn giá tuyệt đối giảm từ 2.300 đồng - 85.000 đồng, tùy theo từng loại sản phẩm.
Trước đó Bộ Tài chính cũng đã công bố giá đăng ký bán buôn tối đa của 5 dòng sản phẩm sữa thuộc Công ty Vinamilk do Bộ quản lý. Đến nay, Công ty Vinamilk đã hoàn thành giai đoạn công bố giá đăng ký bán buôn tối đa, với 35 mặt hàng.
Như vậy, hiện trên thị trưởng sữa đã có 176 mặt hàng sữa đăng ký mức giá bán buôn tối đa, theo chiều hướng giảm. Bởi kể từ ngày 11/6, theo quy định của Bộ Tài chính, kể từ ngày 11/6, các doanh nghiệp phải áp dụng mức giá bán buôn tối đa đối với các mặt hàng sữa. Và đến ngày 21/6, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ phải niêm yết giá trần với các nhãn sữa bán lẻ. Giá bán lẻ tối đa được tính bằng giá bán buôn tối đa cộng với 15%.
Hiện tại, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở Tài chính các địa phương thực hiện kiểm tra mức giá tối đa cả khâu bán buôn và bán lẻ. Trường hợp phát hiện bất hợp lý thì yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt, phải bảo đảm giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa của đơn vị sản xuất, nhập khẩu áp dụng. Và theo yêu cầu của Cục Giá, Sở Tài chính cần công khai giá bán buôn, bán lẻ sữa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi để cơ quan quản lý thị trường, người tiêu dùng biết và giám sát.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nhiều mặt hàng trên thị trường đã được các doanh nghiệp, chủ đại lý giảm giá bán cho người tiêu dùng. Mức giá giảm cũng khá phong phú, tùy chủng loại.
Về khả năng doanh nghiệp “lách” quy định công bố giá trần bằng cách thay đổi bằng các sản phẩm mới, trong văn bản hướng dẫn thực hiện giá bán sữa của Bộ Tài chính đã nhấn mạnh đến vấn đề này. Theo đó, sản phẩm mới hoàn toàn hay sản phẩm cũ mà trọng lượng thay đổi cũng phải áp giá theo quy định giá trần của Bộ Tài chính.
Được biết, theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, mới chỉ có Công ty Abbott có văn bản xin cấp phép bổ sung quy cách đóng gói mới cho bốn sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay bốn sản phẩm mới chưa được bán trên thị trường.
An Hạ