Kinh tế - Thị trường

Anh nông dân làm giàu từ chăn nuôi bò sữa

Tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Lê Minh Nghĩa ở Xóm Quán Mít, xã Nghĩa Tân, Nghĩa Đàn, chắc hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Khởi nghiệp với 3 con bò, sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 Gia đình anh Lê Minh Nghĩa nuôi bò sừa từ năm 2006, chỉ vài ba con, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và tiếp cận các tiến bộ KHKT nên thu nhập từ chăn nuôi bò sữa chỉ đủ trang trại cho cuộc sống hàng ngày. Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, anh Nghĩa luôn tìm đến những mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao để học tập kinh nghiệm về áp dụng đầu tư xây dựng chuồng trại, vay mượn thêm vốn, trồng cỏ chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa.

 

“Trước đây mình chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập không ổn định, từ năm 2015, được tham gia các lớp tập huấn của hội nông dân xã và huyện cũng như được Hội đứng ra thế chấp vay vốn ngân hàng, gia đình mạnh dạn nuôi số lượng lớn để tăng thêm thu nhập” - anh Nghĩa chia sẻ.Với tổng đàn 23, trong đó có 12 cho mỗi ngày hơn 200 lít sữa, với giá bán 14 ngàn/lít, sau khi trừ chi phí gia đình còn thu lãi trên 2 triệu đồng/ngày. Anh Nghĩa trở thành một trong số ít những hộ có đàn bò sữa nhiều nhất xã Nghĩa Tân hiện nay.

 

Theo kinh nghiệm của anh Nghĩa, nuôi bò sữa kỹ thuật không khó lắm, chỉ đòi hỏi người nuôi phải siêng năng chịu khó mỗi ngày tắm cho bò ít nhất 3 lần sáng, trưa, chiều và cần làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt lấy sữa 1 lần vào buổi sáng. Đặc biệt chú trọng việc chăm sóc cho ăn hàng ngày, ngoài thức ăn chính như cỏ, cây bắp, hàng ngày, gia đình còn cho bò ăn thêm ngô trộn với đầu cá khô xay nhỏ; vào buổi trưa cho bò uống nước pha với cám xay 1-2 kg/con để tăng dinh dưỡng.

 

Tuy nhiên, muốn bò cho sản lượng sữa cao nhất, chất lượng tốt nhất, đạt yêu cầu kiểm định chuồng trại phải luôn thoáng đãng, sạch sẽ; người nuôi cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hằng ngày.

 

"Mỗi con bò lấy sữa chỉ kéo dài 9 tháng, nếu kéo dài hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng bò mẹ về lâu dài và chất lượng sữa cũng kém đi, giá sữa sẽ thấp" - Anh Nghĩa cho biết thêm.

 

Nghề nuôi bò sữa tuy không mới với người dân xã Nghĩa Tân nhưng để nuôi thành công thì không phải ai cũng làm được. Bởi nghề này đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe như: Diện tích chuồng trại, công tác về sinh môi trường, không sử dụng chất kháng sinh, sữa sau khi vắt xong phải giao cho công ty để đảm bảo tươi, nguyên chất… Đặc biệt, gia đình đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ trong việc vắt sữa, giúp rút ngắn thời gian vắt, bảo đảm vệ sinh và tránh được bệnh cho bò.

 

 “Trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian qua, hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân. Từ đó, đã có nhiều nông dân đã mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình như mô hình nuôi bò sữa của anh Lê Minh Nghĩa, chúng tôi xem đây là mô hình điển hình để hội viên nông dân trong xã tham quan học tập và nhân rộng” - anh Cao Ngọc Chỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Tân cho biết:

 

Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, anh Lê Minh Nghĩa đã trở thành một tấm gương tiêu biểu về sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, đồng thời thuê thêm lao động nhằm tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trong vùng. Những mô hình phát triển kinh tế như thế này đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất cho người dân sau khi xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM./.

 

Minh Thái

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác