Kinh tế - Thị trường

Các công ty sữa hồi phục sau giai đoạn bão hòa

Sau giai đoạn tăng trưởng chậm đặc biệt là khu vực thành thị, gần đây thị trường sữa trong nước đã có những chuyển biến tích cực mang lại kết quả kinh doanh tốt cho các công ty sữa.

 Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong quý 2/2019, sữa và các sản phẩm từ sữa là ngành hàng dẫn đầu thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 14,7% và 6,8% về giá trị tại khu vực nông thôn và thành thị. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngành đã hồi phục trở lại.

 

Vinamilk, doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa đã công bố kết quả kinh doanh khá tích cực. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 27.788 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 5.689 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

 

Để cải thiện sức tiêu thụ, Vinamilk đã cho ra mắt 17 dòng sản phẩm mới ở các ngành cốt lõi như sữa bột, bột ăn dặm Organic Gold, trà sữa Happy Milk, sữa chua ăn hạt óc chó, sữa đậu nành hạnh nhân, đậu đỏ,… Công ty cũng tăng số lượng điểm bán từ 250.000 lên 270.000 điểm trong nửa đầu năm nay, qua đó, giúp doanh thu nội địa tăng trưởng 6%.

 

Trong thời gian tới, Vinamilk dự kiến sẽ xây dựng trang trại bò sữa tại Quảng Ngãi. Đồng thời, công ty sẽ tiến hành sử dụng diện tích 240ha tại Nông trường sông Hậu (Cần Thơ), bước đầu tăng số lượng đàn bò lên 4.000 – 8.000 con. 

 

Công ty cho biết tăng số lượng đàn bò không phải là yếu tố tiên quyết để tăng sản lượng sữa cung ứng, mà công ty sẽ cố gắng tối ưu hóa năng suất sữa bò, hiện tại Vinamilk đã tăng được 2,4 lít sữa/con so với cùng kỳ năm trước.

 

TH true Milk , đơn vị cung cấp sữa tươi lớn nhất thị trường cho biết, doanh số công ty vẫn rất tốt khi duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Hiện tại, với đàn bò hơn 45.000 con, sản lượng sữa tươi TH cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn mỗi ngày, chiếm khoảng 40% thị phần sữa tươi cả nước.

 

Những năm gần đây, khi nhận thức của người tiêu dùng tăng lên, chiến lược tập trung vào sữa tươi của Tập đoàn TH bắt đầu hái quả ngọt. Đại diện công ty nhận định, 72% thị trường sữa hiện tại vẫn dùng sữa bột pha lại, vì vậy sữa tươi của TH vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

 

Để tăng năng suất, trong năm 2017, Tập đoàn TH đã tiến hành lễ động thổ 2 dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao ở Hà Giang và Phú Yên. Bên cạnh đó, sau thành công với sữa tươi, TH đang đa dạng hóa danh mục khi cho ra mắt thêm các sản phẩm mới như nước hoa quả, nước tinh khiết, nước lúa mạch, kem,…

 

Các công ty sữa hồi phục sau giai đoạn bão hòa

 

Một đơn vị sản xuất sữa tươi khác là Sữa Mộc Châu (Moc Chau Milk) cũng cho thấy tín hiệu kinh doanh khả quan trở lại. Hồi quý 1, cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa đã khiến Sữa Mộc Châu phải tăng mạnh chiết khấu tặng kèm và giữ được thị phần. Sang quý 2, tình hình khí hậu phù hợp, thị trường tiêu thụ tốt nên kết quả doanh thu của Sữa Mộc Châu đã khả quan hơn.

 

Doanh thu thuần quý 2/2019 của công ty đạt 812 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế riêng quý 2 đạt 23,21 tỷ đồng. Dù doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ, song nếu so với 3 quý gần nhất, có thể thấy kết quả kinh doanh của Moc Chau Milk đang phục hồi trở lại.

 

Ngoài vấn đề tăng chiết khấu bán hàng để giữ thị phần thì theo lãnh đạo Công ty Sữa Mộc Châu, biên lợi nhuận gộp thấp là do công ty này tập trung vào sản phẩm sữa tươi chất lượng cao. 

 

Để duy trì chất lượng sữa, Công ty đã đầu tư nhiều chi phí để hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất sữa như kiểm soát chất lượng thức ăn, thú y, dịch bệnh, đảm bảo giá mua sữa ổn định cho nông dân… dẫn đến giá thành sản xuất cao.

 

Trong thời gian tới, Công ty sữa này hướng tới mục tiêu nâng biên lãi gộp sản phẩm sữa thông qua đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn, quản trị giá thành sản xuất để giảm giá vốn.

 

Sau khi Vinamilk mua lại gần 41% GTNfoods, đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu, đã có những kỳ vọng về viêc Vinamilk tận dụng triệt để lợi thế sữa tươi của Moc Chau Milk để phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, Vinamilk vẫn chưa chia sẻ chiến lược hợp tác dài hạn nào sau khi đã hoàn thành thương vụ thu mua cổ phần.

 

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy cũng ghi nhận kết quả kinh doanh mảng sữa khá khả quan trong quý vừa qua.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu mảng này tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng tăng 11% và giá bán trung bình tăng 2%. Việc giá bán tăng, cùng với khấu hao giảm và giá nguyên liệu diễn biến thuận lợi đã giúp biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành trong 6 tháng đầu năm 2019 của công ty tăng thêm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 44,6%.

 

Trong khi nhiều doanh nghiệp sữa cho thấy sức sống trở lại, cũng có những tên tuổi ‘hụt hơi’. Báo cáo của VinaCapital cho thấy, giá trị khoản đầu tư của quỹ này vào IDP, đơn vị sở hữu nhãn hiệu sữa Ba Vì, Love’in Farm ngày cảng giảm mạnh. 

 

Giá trị khoản đầu tư của VinaCapital trong năm 2018 chỉ còn 25 triệu USD, giảm mạnh so với con số gần 35 triệu USD trước đó 3 năm, cho thấy IDP đang thua lỗ nặng.

 

Dù có được sự bổ sung lớn cả về mặt nguồn lực và nhân sự, hoạt động kinh doanh của IDP những năm qua chưa thực sự khởi sắc. Love’in Farm, con át chủ bài của IDP khó có thể cạnh tranh với các nhãn hiệu sữa của Vinamilk, TH true Milk hay các công ty sữa ngoại.

 

Tương tự với IDP, VPMilk – thương hiệu sữa mới ra mắt thị trường năm 2017 dường như cũng đang gặp khó khăn. Biểu hiện là các chiến dịch marketing, quảng cá rầm rộ của công ty này đã không còn duy trì như trước đây trên các kênh truyền thông. Tập đoàn Nam Dương, chủ thương hiệu VPMilk là đơn vị nhận phân phối – bán lẻ các sản phẩm của đối tác lớn là tập đoàn bơ sữa Namyang. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác