Kinh tế - Thị trường

Câu chuyện TPP với thương hiệu sữa số 1 Việt Nam

(Dairy Việt Nam) Có mặt tại 26 quốc gia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 62%… con số này giúp Vinamilk có thể cạnh tranh với bất kỳ doanh nghiệp sữa nào trong khối TPP.

Lo ngại TPP là thừa khi…

Việc Việt Nam hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra lo ngại ngành sữa Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sữa Việt Nam nói riêng.

Những lo ngại này xoay quanh việc doanh nghiệp sữa Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhậu khẩu đặc biệt từ quốc gia cũng thuộc TPP là Australia và Newzeland. Trong khi theo điều khoản TPP, đến năm 2018 thuế nhập khẩu sản phẩm sữa trong khối TPP sẽ bằng 0. Khi đó, sản phẩm sữa nhập ngoại sẽ xâm lấn thị trường, cạnh tranh về giá với sản phẩm sữa nội gây ra khó khăn cho doanh nghiệp sữa nội.

Tuy nhiên nếu nhìn vào sự bức tranh ngành sữa nói chung, đặc biệt ở doanh nghiệp sữa đứng đầu Việt Nam như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì vấn đề này lại... không đáng ngại.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng hơn 240.000 con bò sữa. Các trang trại bò sữa trong nước không những hiện đại về thiết bị chuồng trại, qui mô mà còn tiên tiến trong các mô hình quản lý vận hành, tuân thủ các yêu cầu khắc khe nhất của ngành sữa, ngành thực phẩm thế giới như Viet Dairy GAP, Global Gap, ISO…

Riêng hệ thống trang trại sữa Vinamilk là trang trại đầu tiên tại khu vực châu Á đạt chuẩn Global Gap. Điều này cho thấy, lo ngại về việc phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu với doanh nghiệp sữa như Vinamilk không đáng lo ngại bởi chiến lược phát triển các trang trại chăn nuôi bò dọc từ Bắc vào Nam nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sữa cho thấy cái nhìn xa của doanh nghiệp trước thời điểm hội nhập sâu.

Về nhà máy chế biến sữa, Vinamilk vẫn đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt trong năm 2013, Vinamilk đã đầu tư hai siêu nhà máy sữa lớn hiện đại bậc nhất thế giới tại tỉnh Bình Dương là Nhà máy Sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 4/2013 và Nhà máy Sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 9/2013.

Hai nhà máy được đầu tư công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất của ngành sữa, để các sản phẩm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Không chỉ nỗ lực nâng cao thị phần trong nước, Vinamilk còn đang vươn ra một số thị trường khác. Công ty đã nhận được giấy phép đầu tư nhà máy sữa tại Campuchia. Công ty còn có cổ phần tại một nhà máy sữa ở New Zealand, nhà máy này không chỉ sản xuất sữa bột phục vụ địa phương sở tại, năm 2013 đã nhập hàng về phục vụ thị trường Việt Nam.

Một yếu tố tiên quyết giành thắng lợi trên thị trường sữa Việt Nam là việc am hiểu thị trường, sản phẩm sữa có thương hiệu chất lượng và quen thuộc. Các yếu tố này Vinamilk luôn là doanh nghiệp hàng đầu.

Thống kê thị phần của Vinamilk tại Việt Nam trong phân khúc sữa đặc có đường là 75%, sữa nước gần 50%, sữa bột gần 30% và sữa chua lên đến gần 90%. Theo khảo sát của Kantar World Panel (công bố ngày 10/5/2013), tại Việt Nam, Vinamilk là thương hiệu số 1, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các sản phẩm sữa nước, hầu như có mặt ở mọi gia đình Việt Nam (cứ 100 gia đình Việt Nam thì có đên 94 gia đình trong nhà có sử dụng 1 sản phẩm của Vinamilk).

Trên thế giới Vinamilk đang có mặt tại 26 quốc gia, đặc biệt năm 2013, Vinamilk được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào Mỹ (một quốc gia thuộc khối TPP). Theo đó, việc hàng rào thuế quan trong khối TPP được xóa bỏ sẽ mở ra cơ hội cho Vinamilk thâm nhập thị trường khó tính này và nâng cao vị thế của thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam. …

Vinamilk biết "dụng nhân"

Thành công Vinamilk có được cho đến thời điểm này luôn gắn với cái tên Mai Kiều Liên - nguyên Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc Vinamilk.

Được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, bà Liên đã thành công trong việc đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào ngày 25/9/2015 (Vốn hóa Vinamilk đạt 121.225 tỷ đồng trong khi cổ phiếu có lượng vốn hóa lớn thứ hai là VCB chỉ đạt 117.261 tỷ đồng).

Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa ở Nga, năm 1976 bà Liên về làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong đưa công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, cùng với thời gian, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến tháng 7/2015.

Sự phát triển của Vinamilk đã tạo thành bước ngoặt vào năm 2003, khi bà Mai Kiều Liên chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk).

Với việc áp dụng các mô hình quản trị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á. Cũng là quãng thời gian, Vinamilk trở thành doanh nghiệp tạo ra được một cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt cũng như phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành.

Bên cạnh đó Vinamilk biết dụng nhân, trong điều hành của mình bà Mai Kiều Liên luôn tỉ mẩn trong công việc, biết lo xa, giả định trường hợp xấu nhất với Vinamilk. Vì thế các kịch bản đối phó luôn được doanh nghiệp này chủ động.

Quan điểm phải nỗ lực sáng tạo, tìm ra các phân khúc thị trường mới, đưa ra những sản phẩm mới cộng với việc tái bố trí nhân lực, giảm chi phí các khâu trung gian đã minh chứng cho thực tế Vinamilk đã biết cách tự cứu trước khi nhờ người khác cứu trong bối cảnh kinh tế và sức mua giảm. Kết quả, trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành điêu đứng Vinamilk luôn vững vàng với tốc độ tăng trưởng hơn 20%.

Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Bà cũng thừa nhận, Vinamilk thành công ngoài việc nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế, đó chính là nhờ biết sử dụng người tài. “Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đào tạo họ chứ không bỏ người. Quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể”, nữ tướng Mai Kiều Liên từng chia sẻ.

Nguồn: giaoduc.net
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác