Kinh tế - Thị trường

Đại gia Việt nối gót bầu Đức, lấy đâu ra đất 'dụng võ'?

Thành công từ việc lấn sân sang nông nghiệp của bầu Đức đã khiến hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt học theo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc đầu tư nông nghiệp có phải ai cũng làm được khi cần quỹ đất rất lớn?

 

  Thiếu quỹ đất trong nước

 

  Đầu tư vào nông nghiệp trong thời điểm hiện tại có thể được coi là "mốt". Toàn thị trường đang "sốt sình sịch" trước viễn cảnh lãi hàng trăm triệu USD/năm từ cao su, mía đường của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). PV Seatimes đã đưa tin về hàng loạt  công ty, tập đoàn lớn trong ngành bất động sản "thi nhau nối gót" bầu Đức để chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp. Thế nhưng thực tế ngành nông nghiệp cần một quỹ đất rất lớn, hãy cùng xem để thu được số lãi lớn như vậy, HAGL đã phải sử dụng bao nhiêu ha đất?!

 

  Trả lời PV, Bầu Đức đã từng khẳng định HAGL có lợi thế là sở hữu quỹ đất lên tới 100.000 ha. Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, HAGL đã trồng được 44.500 ha cao su, 10.000 ha mía, 12.300 ha cọ dầu (năm 2015 dự kiến sẽ đạt 30.000 ha), 5.000 ha bắp (năm 2015 dự kiến lên 10.000 ha). Như vậy, tính đến năm 2015, dự kiến tập đoàn của bầu Đức sẽ sử dụng hết 94.500 ha đất trong tổng số quỹ đất 100.000 ha của mình. 

 

  Tuy nhiên, quỹ đất lớn của tập đoàn HAGL chủ yếu tập trung ở hai thị trường Lào và Campuchia, trong khi đó ở Việt Nam rất khó có thể tìm được nguồn đất lớn như vậy để chăn nuôi nông nghiệp. Ngay cả dự án chăn bò sắp tới, trang trại của bầu Đức xây ở tỉnh Gia Lai cũng chỉ có quỹ đất khá khiêm tốn - khoảng 4.000 ha. 

 

  Thực tế cũng cho thấy, việc thu hút đầu tư vốn FDI, xây dựng liên tiếp các khu công nghiệp trong những năm qua đã khiến quỹ đất trong nước giảm mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến 1/2011, quỹ đất chưa sử dụng còn 3164,3 nghìn ha thì tính đến 1/2012, quỹ đất này chỉ còn 3.074 nghìn ha. 

 

  Thấu hiểu nhất tình trạng thiếu quỹ đất ở Việt Nam đó là các doanh nghiệp sữa. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT của Vinamilk từng chia sẻ vấn đề của Vinamilk là không có quỹ đất lớn để phát triển đàn bò. Nếu muốn tự túc 100% nguyên liệu mà không phải nhập khẩu thì Vinamilk phải có đủ quỹ đất để nuôi 200.000 con bò. Đồng thời bà Liên cho biết trong 10 năm nữa, Vinamilk cũng sẽ chỉ có thể tự túc được khoảng 60% nguồn nguyên liệu sữa. TH True Milk cũng đã từng gặp khó khăn về nguồn đất khi xây dựng trang trại khép kín dành cho dự án sản xuất sữa TH True Milk. 

 

  Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cũng đã chia sẻ: Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch. 

 

  Xuất ngoại tìm quỹ đất

 

  Trước tình trạng quỹ đất trong nước khiêm tốn, không phải tự nhiên mà ngay cả người mở đầu "trào lưu" là bầu Đức đã phải sang Lào, Campuchia để trồng mía, cao su.  Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cũng cho biết: "Tại Việt Nam, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa. Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng, Campuchia phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu".

 

  Ngay cả Vinamilk cũng rục rịch đầu tư xây dựng nhà máy ở nước ngoài để tận dụng quỹ đất còn dồi dào hơn so với trong nước. Năm 2014, Vinamilk sẽ xây nhà máy sữa tại Campuchia (diện tích có thể lên đến 30.000m2). Một nhà máy khác của Vinamilk ở nước ngoài cũng đã đi vào hoạt động là nhà máy Miraika tại New Zealand, chuyên sản xuất sản phẩm bột sữa nguyên kem có công suất 32.000 tấn một năm.

 

  Như vậy, có thể thấy, dù được đánh giá là ngành mang lợi nhuận cao nhất nhưng đầu tư vào nông nghiệp không phải dễ dàng. Chưa nói đến vốn, chỉ riêng có đủ đất để áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã là một "bài toán" hóc búa. Bởi hiện tại, dù có thể tận dụng quỹ đất ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào nhưng rồi cũng sẽ cạn. Và người Việt ta đã có câu "trâu chậm uống nước đục", chỉ những người mở đầu xu hướng, nhanh nhạy trước thời cuộc mới có thể "tận thu" được nguồn lãi lớn. Còn ồ ạt đầu tư theo "mốt" mà thiếu tầm nhìn chiến lược thì chưa chắc đã thu được thành công.  

Nguồn: http://seatimes.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác