Kinh tế - Thị trường

Gặp “nữ hoàng ngô” ở Philippines

(Dairy Việt Nam) Rosallie M.Ellasus được mệnh danh là “nữ hoàng ngô” ở Philippines, bởi nhờ trồng ngô biến đổi gen mà bà mẹ đơn thân thu về nửa tỷ đồng mỗi năm, nuôi 3 con ăn học như mong muốn. Ngô cũng là “bệ phóng” để chị trúng cử vào hội đồng thành phố.

Gặp chị Rosallie M.Ellasus tại hội thảo về công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Bogor, Indonesia vào trung tuần tháng 11 vừa qua, cánh báo chí chúng tôi quả thật rất bất ngờ, bởi nếu “suy từ bụng Việt Nam ta”, như cách chúng tôi đùa nhau, nông dân “chính hiệu” là phải đi dép tổ ong, đội nón lá, chứ nhất quyết không thể mặc váy, đi giày cao gót, trang điểm lịch sự và nói tiếng Anh như gió như chị.

 

Bản thân tôi đã từng được gặp gỡ và thăm trang trại trồng ngô biến đổi gen rộng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta của nông dân Mỹ ở Iowa vào tháng 7 vừa qua, cũng đã thấy được cái “tầm” của họ, cách suy nghĩ hướng tới toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp trong “ruộng rau ao cá nhà mình”, và cả khoản thu nhập khổng lồ 600-700 ngàn USD/năm mà đại đa số nông dân Việt Nam nằm mơ vẫn chưa nghĩ tới. Nhưng đó là nông dân ở trời Tây, ở một đất nước phát triển, cường quốc số một thế giới. Không tính.

 

Còn chị Rosallie M.Ellasus là nông dân Philippines, đất nước trong khu vực Đông Nam Á, gần gũi về địa lý và cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. (Philippines là nước với dân số vào khoảng 92 triệu người, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, chiếm 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đất nông nghiệp chiếm vào khoảng 32% tổng diện tích nước này.)

 

Qua buổi thuyết trình về hành trình đổi đời của chị nhờ trồng ngô biến đổi gen và cuộc tiếp xúc riêng với chị, mới nhận thấy sự tự tin, phong thái của một nông dân “công nghệ” chắc chắn xuất phát từ điều mà xưa nay chúng ta đã đúc kết “có thực mới vực được đạo”. Rosallie M.Ellasus là minh chứng của “có thực”, nhờ áp dụng thành tựu của công nghệ biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể vào mùa vụ ngô của mình.

 

Chị Rosallie M.Ellasus cho biết, trước khi bắt tay vào làm nông từ năm 1995, giống như hàng triệu người Philippines khác, chị đã từng đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, tới Singapore và Canada, mới đầu làm người giúp việc, sau nhờ nỗ lực, chị làm quản lý marketing. Tuy nhiên, khi chồng chị qua đời vào năm 1995, để lại cho chị 3 đứa con nhỏ, chị đã quyết định về nước, đánh cược toàn bộ tài sản dành dụm để mua 1,3 hecta đất trồng lúa và trồng ngô, mong kiếm đủ tiền cho con cái được học ở những trường đại học tốt.
 
 Rosallie trên những cánh đồng giúp chị đổi đời.
Rosallie trên những cánh đồng giúp chị đổi đời.

Khi đó, chị hoàn toàn không có một chút kiến thức gì về canh tác, nên những năm đầu tiên, lợi nhuận thu được chỉ vẻn vẹn khoảng 100 USD/năm. Ngô của chị không những vậy còn bị sâu bệnh, nấm mốc, khiến khách hàng từ chối mua. Sau đó, năm 2001, chị quyết tâm theo học về quản lý sâu bệnh của trường dành cho nông dân ở Philippines. Sau khóa học, sản lượng ngô của chị đã được cải thiện.

 

“Nhưng thời khắc thay đổi cuộc đời  Rosallie chính là lúc tôi đi thăm cánh đồng ngô biến đổi gen thử nghiệm ở Pangasinam, Philippines vào tháng 3/2002 và “kết” ngô biến đổi gen từ đó”, chị cho hay. Vào tháng 12 năm đó, Philipipnes chính thức cho phép thương mại hoá ngô biến đổi gen. Rosallie đã là một trong những nông dân đầu tiên ở Philippines tiên phong trồng ngô biến đổi gen (loại chống sâu bệnh và chống thuốc diệt cỏ).

 

 

Cây trồng công nghệ sinh học: Theo thống kê mới nhất,  diện tích đạt 170 triệu hecta trên 28 nước (90% các nước phát triển), với 17 triệu nông dân.

Theo chị Rosallie, mặc dù giá ngô giống đắt hơn so với ngô thông thường từ 3-5%, nhưng bù lại, năng suất đạt cao hơn rất nhiều, không phải làm cỏ, không phải mất nhiều tiền mua thuốc trừ sâu và nhân công phun thuốc, nhân công làm đất cũng ít hơn và cuối cùng là lợi nhuận thu về lớn hơn tới 40%.

 

Từ năm 2001-2008, sản lượng trên 1 hecta ngô của chị đã tăng gấp đôi từ 3,5 tấn lên tới 7-9 tấn. Đến năm 2009, chị đã mở rộng diện tích đất trồng ngô lên 10 hecta và sản lượng đạt được 8,9 tấn/hecta. Hiện nay, tổng diện tích trồng ngô của chị, bao gồm cả đất thuê, đã tăng lên 12 hecta. Sau khi trừ các chi phí, mỗi hecta mang lại cho chị khoảng 2.000 USD/năm, tức mỗi năm chị thu về 24.000 USD/năm (khoảng 500 triệu VND). Nhờ có cánh đồng ngô mà các con chị đã được vào học ở những trường đại học tốt, đã tốt nghiệp và bắt đầu ổn định cuộc sống.

 

Không những vậy, Rosallie còn là một thành viên tích cực của Các tổ chức nông dân quốc gia Philippines. Khi không ở trên cánh đồng, chị luôn sẵn sàng chia sẻ câu chuyện trồng ngô thành công của mình ở khắp các diễn đàn trong nước và trên khắp thế giới, trong đó có Đối thoại chính sách cấp cao về công nghệ sinh học trong nông nghiệp của APEC tại Úc năm 2007. Và gần đây nhất, từ ngày 21-22/1/2013 chị đã thuyết trình về công nghệ sinh học trước các hạ nghị sỹ Philippines và các báo đài.

 

 Năm 2007, chị là người đầu tiên được trao giải thưởng Kleckner Trade & Technology Advancement Award, giải vinh danh những nông dân biết sử dụng công cụ và công nghệ để cải thiện sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp trên khắp thế giới. Cũng vào năm này, chị được trúng cử ủy viên hội đồng thành phố San Jacinto, Pangasinan, Philippines.

 

Câu chuyện trồng ngô biến đổi gen của Rosallie, biến chị từ một bà mẹ đơn thân, chật vật vì manh áo gạo tiền trên 1,3 hecta đất, thành một bà mẹ đảm nuôi 3 con ăn học đàng hoàng và trở thành ủy viên hội đồng thành phố, có thể chỉ là “thường thường bậc trung” nếu so với Gordon Wassenaar, nông dân và là thành viên của Hiệp hội trồng ngô ở Iowa, Mỹ mà tôi đã có dịp gặp vào tháng 7 năm nay. Cánh đồng ngô biến đổi gen 12 hecta của Rosallie không thấm vào đâu so với cánh đồng 600 hecta “bất tận” của ông và 1.000 hecta của người hàng xóm có tên Taylor kế cận.
 
 Bên trong kho chứa máy móc của Gordon. Phía sau là chiếc máy gieo hạt khủng.
Bên trong kho chứa máy móc của Gordon. Phía sau là chiếc máy gieo hạt "khủng".
 

Gordon Wassenaar có cả một nhà kho rộng lớn ngay cạnh ruộng ngô chứa đầy những máy móc “khủng”, như xe tải, máy kéo, và đặc biệt là máy gieo hạt, gieo được hàng chục luống cùng lúc và trên nóc máy còn gắn cả hệ thống định vị GPS, để xác định thời tiết, độ ẩm, hướng gió, nhằm áp dụng cho mùa vụ. Nhờ máy móc, mà Gordon Wassenaar chỉ cần thuê một lao động làm cả ngày, một lao động bán thời gian và…cộng thêm ông để chăm sóc cho cánh đồng 600hecta. Những ngày nông vụ, thực ra là vài ngày, khi gieo hạt và khi thu hoạch, ông cũng chỉ cần phải tăng cường thêm 2 đến 4 nhân công. Một năm chỉ trồng một vụ ngô, “vất vả” theo kiểu Mỹ vài tháng, lão nông Gordon ung dung bỏ túi khoảng 700.000 USD.

 

Nhưng ở đất nước Đông Nam Á đang phát triển như Philippines, không có điều kiện ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật tiên tiến như ở Mỹ, và điều kiện địa lý, thời tiết cũng khác, cộng với thực tế “thân gái dặm trường” vốn rất khó khăn ở các nước phát triển châu Á, chị Rosallie hoàn toàn xứng với mệnh danh là “nữ hoàng ngô”.

 

Không cần quá cao siêu như ở Mỹ, mà chỉ cần từ Philippines, Rosallie có thể là điển hình mà nông dân ta hướng tới.
 
Philippines là nước đầu tiên và duy nhất ở châu Á trồng diện tích lớn cây trồng công nghệ sinh học để làm thực phẩm, thức ăn gia súc và chế biến, với giống ngô Bt Mon 810 đã được thương mại hóa vào năm 2002. Diện tích ngô biến đổi gen ở Philippines tăng từ 10.000 hecta năm 2003 lên 643.800 hecta năm 2011.
 

 

Vũ Quý

Nguồn: dantri.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác