Kinh tế - Thị trường

Kiểm tra giá sữa đồng loạt tăng: Hãy làm, đừng dọa!

Bất chấp sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, 4 doanh nghiệp đứng đầu trong kinh doanh và sản xuất sữa đều đồng loạt tăng giá. Trong khi đó cơ quan quản lý cho rằng họ bị “qua mặt” vì đã có lệnh hoãn tăng giá.

Kể từ đầu tháng 3/2014, rất nhiều sản phẩm của các hãng sữa đã tăng giá khoảng 5 - 10% so với trước. Nhiều hãng sữa khác dù chưa tăng nhưng đã có thông báo về lộ trình tăng giá trong thời gian sắp tới. Việc tăng giá sữa lần này, cũng đã khiến người tiêu dùng (NTD) tỏ ra bất bình.

Tuy nhiên, “lý giải” về việc tăng giá, các doanh nghiệp (DN) sữa cho rằng: Do tăng chi phí đầu vào; lạm phát năm 2013; tăng chi phí nhân công, quản lý; điện và xăng dầu tăng giá; giá nhập khẩu nguyên liệu và nhập khẩu sản phẩm tăng...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo vệ người tiêu dùng, mới đây lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đang xem xét đưa ra áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa nói chung. Thậm chí, có thể dùng biện pháp áp giá trần để quản lý.

Qua khảo sát của PV cho thấy, nhiều đại lý, cửa hàng bán sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội, đều thấy giá sữa đã đồng loạt tăng. Cụ thể, sản phẩm NAN AH 110 loại 400g có giá mới là 194.400 đồng (tăng 9.200 đồng so với bảng báo giá cũ); NAN 1 Pro 400g tăng từ 222.200 đồng lên 233.300 đồng; loại 800g từ 391.700 đồng lên 412.000 đồng…

Một số dòng sản phẩm của Frisolac của Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam như Frisolac Gold 1 và Frisolac Gold 2 tăng lên 255.000 đồng/hộp 400g và 540.000 đồng/hộp 900g; Frisolac Gold 3 tăng lên 235.000 đồng/hộp 400g, 486.000 đồng/hộp 900g, 732.000 đồng/hộp 1.500g…

Một “đại gia” sữa không thể không nhắc đến là Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng giá bán khoảng 6-11%. Cụ thể, Dialac Pedia 3+ hộp thiếc giá 175.000 đồng/hộp, Dialac Optimum 375.000 đồng/hộp (900 gram), Dialac Anpha 123 là 208.000 đồng/hộp (900 gram)…


Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết sẽ điều tra sơ bộ xem có việc các doanh nghiệp sữa bắt tay tăng giá đồng loạt hay không.

Điều đáng nói là việc tăng giá sữa này vẫn diễn ra dù trước đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường và Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa.

Được biết, Cục trưởng cục quản lý giá đã lập 5 đoàn thanh kiểm tra các doanh nghiệp sữa xem có chuyện cùng “bắt tay”. Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý, Nhà nước sẽ tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà DN thu được do tăng giá quá mức. Thêm nữa, DN còn bị xử phạt vi phạm theo quy định.

Còn ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: Chuyện giá sữa gần đây rất sôi động với các vấn đề được đặt ra như hành vi vi phạm cạnh tranh, vấn đề cấu thành giá, hay việc các doanh nghiệp có cấu kết, thông đồng với nhau để tăng giá hay không…

Theo ông Nam qua theo dõi tình hình, Cục Quản lý cạnh tranh đã biết khả năng tăng giá của các doanh nghiệp sữa tại Việt Nam vừa qua. “Trong hai năm qua, chúng tôi luôn theo dõi từ xa, có cả số liệu trong nước, ngoài nước. Đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng khẳng định chưa thể đưa ra ngay kết luận chính thức về hành vi tăng giá sữa lần này. Theo đó, Cục cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để tập hợp dữ liệu thông tin và các thông số, nếu có dấu hiệu sẽ tiến hành điều tra sơ bộ, và nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra chính thức.

Có thể thấy, lần này những động thái tích cực trong việc ráo riết “điều tra” truy tìm những DN tăng giá sữa bất hợp lý. Hơn nữa, việc đang xem xét đưa sữa vào mặt hàng bình ổn giá, thậm chí quản lý bằng biện pháp áp trần giá cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng “biện pháp áp trần giá”, trong điều kiện hiện nay, chỉ có thể “dọa” DN, chứ khó khả thi.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD cho biết: “Phải thẩm định và xử lý doanh nghiệp tăng giá sữa bất hợp lý”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD, bày tỏ băn khoăn: “Nếu thực hiện được việc áp giá trần, NTD sẽ an tâm hơn trong vấn đề giá sữa, khi đó không còn lo giá sữa cứ tăng mà không có điểm dừng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là biện pháp này có khả thi hay không, bởi lẽ sữa là mặt hàng không thuộc diện Nhà nước định giá” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Vấn đề cốt lõi để quản lý giá sữa, lúc này NTD mong cơ quan chức năng quản lý giá, với công cụ pháp lý trong tay cần tăng cường quản lý bằng cách yêu cầu DN làm rõ nguyên nhân việc tăng giá, yêu cầu DN báo cáo cụ thể lý do tăng giá sữa. Trên cơ sở đó tiến hành thẩm định để xử lý việc tăng giá bất hợp lý. Việc thẩm định là trong tầm tay của cơ quan quản lý, khi ngành hải quan làm thủ tục nhập khẩu phải nắm rõ giá nhập. Ngoài ra còn có vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, đặc biệt là việc minh bạch các thông tin có liên quan về giá để NTD giám sát” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thảo Phượng

Nguồn: petrotimes.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác