Kinh tế - Thị trường

Nông dân giúp nhau cùng làm giàu

Để phù hợp với sự phát triển chung, sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững. Định hướng đúng đắn này cộng hưởng với các phong trào do Hội Nông dân phát động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thành phố thi đua và giúp nhau làm giàu, đồng thời cùng chung tay xây dựng làng quê ngày càng trù phú, văn minh...

Anh Bùi Văn Ngọc, hội viên Hội Nông dân phường Linh Xuân, quận Thủ Đức cho biết, với diện tích 100 m2, năm 2006, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư và sưu tập, trồng 3.000 cây hoa lan, vừa chơi vừa bán, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, với kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, anh được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân thành phố mời tham gia giảng dạy khoảng 100 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, mỗi lớp từ 20 đến 30 học viên. Qua khảo sát của anh, các học viên sau khi học đã áp dụng vào sản xuất bảy nhà vườn trồng lan có diện tích hơn 1 ha; 210 nhà vườn trồng lan có diện tích hơn 100 m2.

 

Khoản tiền thù lao trong bảy năm làm giảng viên giảng dạy kỹ thuật trồng hoa lan cho hội viên anh dùng vào các hoạt động từ thiện, đóng góp các quỹ xóa đói, giảm nghèo, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ nông dân... để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Còn chị Nguyễn Thị Hường, hội viên Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, đã đầu tư nuôi bò sữa từ năm 2006. Đến nay, đàn bò sữa của chị có 40 con, trong đó 25 con đã cho sữa. Năm 2009, chị được Hội Nông dân xã vận động đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi bò sữa, bước đầu có bảy thành viên, sau phát triển lên 75 thành viên. Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho tổ viên. Năm 2014, chị đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Phụng Hiệp và xây dựng trạm trung chuyển thu mua sữa tươi. Hiện, trạm đang tổ chức thu mua sữa tươi cho 80 hộ nuôi bò sữa trên địa bàn xã, bình quân khoảng 2.555 tấn/năm, với giá từ 12.500 đến 13.000 đồng/kg…

 

Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) là một điển hình tập thể sản xuất giỏi. Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng Cao Thị Hòa tâm sự, diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 của xã hơn 1.000 ha, chủ yếu trồng lúa và hoa màu, thu nhập của người dân rất thấp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Hòa mạnh dạn vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên. Bước đầu, nhờ các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn thành phố và các tỉnh, từ đó các hội viên ứng dụng mô hình sản xuất công nghệ cao như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, sản xuất rau theo quy trình VietGAP. Chị vận động hội viên tham gia vào HTX nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng nhằm giúp hội viên sản xuất rau an toàn có thương hiệu và tiêu thụ ổn định. Đến nay, diện tích trồng rau an toàn của xã hằng năm khoảng 495 ha, năng suất đạt 25 tấn/ha. HTX đã tổ chức cho nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau an toàn bình quân mỗi ngày từ bốn đến năm tấn vào các hệ thống siêu thị; từ năm đến bảy tấn vào 19 điểm tiêu thụ ở các trường học, công ty, xí nghiệp. Hội còn bảo lãnh tín chấp cho nông dân vay hơn 2,2 tỷ đồng để mua giống, phân bón, máy móc, thiết bị nông nghiệp thông qua nguồn vốn của Liên minh HTX thành phố và hướng dẫn 1.392 lượt hộ nông dân vay được 45,3 tỷ đồng theo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; 457 lượt hộ vay 11,9 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố…

 

Rất nhiều hội viên Hội Nông dân ở thành phố nhờ được sự giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp cộng với sự cần cù, ham học hỏi cho nên đã kịp thời nắm bắt thời cơ để phát triển kinh tế gia đình và góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở thành phố. Giờ đây, không ít người đã trở thành những triệu phú nông nghiệp và trở thành những tấm gương, điển hình nông dân tiên tiến của thành phố và cả nước.

 

Theo Hội Nông dân thành phố, ở năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) có hơn 9.887 hộ dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa phục vụ xây dựng nông thôn mới với tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2 đất. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản ở các xã nông thôn ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh; thúc đẩy phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

 

Sản xuất nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả, bền vững cộng hưởng với các phong trào do Hội Nông dân phát động và sự nỗ lực của bà con đã giúp thu nhập hộ gia đình tại 56 xã bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008 thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao gấp 1,8 lần so với nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn gấp 1,2 lần…

 

ĐẶNG KIỆT
Nguồn: nhandan.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác