Kinh tế - Thị trường
Nuôi bò sữa: Hướng đi rộng mở và bền vững
Sau 13 năm triển khai Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đàn bò sữa cả nước tăng từ 41.240 con năm 2000 lên 200.000 con hiện nay. Sản lượng sữa cả nước cũng tăng mạnh, từ 64.700 tấn năm 2001 lên hơn 450.000 tấn vào năm 2013, trong đó tốc độ tăng trưởng về sản lượng sữa bình quân trong giai đoạn 2001 – 2005 đạt 30,5%.
Hình thành chuỗi liên kết
Có thể nói, ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta hiện nay đang phát triển khá mạnh. Quy mô chăn nuôi tăng, chất lượng giống được cải thiện, sữa tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đang chiếm lòng tin của người tiêu dùng trong nước.
Chăn nuôi bò sữa đang xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả là sự gắn kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa. Nhiều doanh nghiệp trong ngành sữa đã đầu tư lớn cho chăn nuôi bò sữa theo công nghiệp sử dụng công nghệ cao gắn liều chế biến và phân phối sản phẩm.
Hà Nội là một trong những địa phương có bước phát triển khá nhanh về chăn nuôi bò sữa. Năm 2001 tổng đàn bò sữa của thành phố mới chỉ là 3.027 con nhưng đến nay đã đạt trên 13.000 con, sản lượng sữa đạt 4.500kg/chu kỳ.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố đã có sự gắn kết giữa cơ sở chế biến thành chuỗi liên kết chặt chẽ. Lượng sữa người chăn nuôi sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, giá sữa ngày càng được tăng cao, bình quân đạt 12.600 đồng/kg tạo cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội phát triển mạnh từ năm 2007 - 2008 trở lại đây. Quy mô tập trung phát triển theo vùng xã trọng điểm, tập trung chủ yếu ở hai huyện Ba Vì (trên 7.000 con) và Gia Lâm (hơn 3.000 con). Đến nay trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 12 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm. Trong quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 20.000 con, sản lượng sữa 36.000 tấn.
Để có được những con số ấn tượng như trên, Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ giống, tinh bò và hỗ trợ 100% đào tạo nghề cho người nuôi bò sữa, hỗ trợ máy vắt sữa.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đa dạng những chính sách để xã hội hóa việc phát triển đàn bò sữa như việc tổ chức các hội thi bò sữa, dẫn tinh viên làm tốt công tác giống và chương trình sữa học đường để thu hút được thêm nhiều người sử dụng sữa bò...
Thị trường sữa vẫn còn nhiều dư địa
Tuy có sự tăng trưởng như vậy, nhưng việc phát triển đàn bò sữa tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Hiện nay, số trang trại chăn nuôi bò sữa lớn còn thấp, chỉ có vài công ty, còn lại chăn nuôi nông hộ. Năng suất, sản lượng sữa chưa đưa được công nghệ cao vào sản xuất. Hạn chế nữa của người nông dân là vốn chăn nuôi và quản lý giá sữa”.
Cùng với đó, việc phát triển nhanh số lượng bò sữa đòi hỏi địa phương cần có giải pháp xử lý môi trường. Hơn nữa, khi số lượng sữa cung cấp lớn hơn thì cần có một chuỗi tiêu thụ sữa. Để thực hiện được chuỗi cung ứng này cần có chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Hiện nay sản lượng sữa cả nước mới chỉ đáp ứng trên 28% tổng sản lượng sữa tiêu dùng hàng năm.
Trong 32 tỉnh chăn nuôi bò sữa, chỉ có 10 tỉnh có kinh nghiệm 8 – 33 năm, chiếm 80% số bò sữa, còn lại 22 tỉnh mới nuôi từ 3 – 6 năm, kinh nghiệm còn hạn chế. Phần lớn các hộ chăn nuôi ở những tỉnh này gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại cho người mới lần đầu chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi bò sữa của Việt Nam hiện còn nhỏ, chủ yếu số hộ nuôi dưới 5 con/hộ.
Một tồn tại khác là giá thành chăn nuôi bò sữa của nước ta hiện nay còn cao. Giá con giống cao từ 11 – 14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên 60 – 70 triệu đồng/con từ năm 2012 đến nay. Việc giá bò giống tăng cao đã làm tăng chi phí khấu hao trong cơ cấu giá thành sữa tươi.
Thực tế, phát triển chăn nuôi bò sữa là một hướng đi mới nên người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm về dinh dưỡng thức ăn. Chính vì vậy, khẩu phần ăn cho bò còn mất cân đối,chưa quan tâm đến thức ăn bổ sung, vi lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Hệ thống thu mua, bảo quản sữa còn hạn chế ở các vùng mới phát triển chăn nuôi bò sữa do thiếu thiết bị lạnh, dụng cụ chuyên ngành, thiếu điện, hạ tầng cơ sở…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định, tuy có bước phát triển nhưng hiện nay lượng sữa bình quân đầu người là 14,8kg/người/năm là thấpvì con số này tính trong khu vực là 35kg/người/năm.
Hiện nay sản xuất trong nước chỉ chiếm 28% trong tổng lượng sữa sản tiêu thụ trên thị trường.
“Với triển vọng và tiềm năng đặc biệt thị trường Việt Nam về tiêu dùng còn tới 72% nữa, như vậy thị trường rất lớn. Trong khi nhiều sản phẩm nông sản đang vất vả tìm thị trường xuất khẩu thì riêng sữa dư địa thị trường ngay tại nội đại còn rất rộng”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Hiện nay đã hết chính sách hỗ trợ theo Quyết định 167, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi bò sữa, nhất là các vấn đề như giống, thu mua, chế biến… Đây chính là động lực để có thể tiếp sức cho những người theo đuổi hướng đi này ở TP Hà Nội cũng như người chăn nuôi cả nước.
Tiến Dũng