Kinh tế - Thị trường

Vốn ngoại chảy vào ngành sữa

Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài xem sữa là ngành đầu tư hấp dẫn nên đã “săn” các doanh nghiệp tiềm năng để rót vốn

 Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vừa công bố rót hàng trăm triệu USD vào các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng sữa tại Việt Nam. Số người dùng sữa cũng như lượng sữa trên đầu người của Việt Nam hiện còn quá thấp so với các nước trong khu vực, trong khi DN lớn trong ngành sữa chỉ đếm trên đầu ngón tay nên nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư.

 

Sức hấp dẫn

 

Sau hơn 2 năm tìm hiểu, mới đây, quỹ đầu tư VOF do VinaCapital quản lý cùng với đối tác Nhật Bản là Daiwa PI Partners đã công bố rót 45 triệu USD (tương ứng 70% cổ phần) vào Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP).

 

Ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc IDP, cho biết với số vốn đầu tư của đối tác, IDP có thêm nguồn lực để thực hiện kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới, trong đó có việc đưa sản phẩm IDP ra nước ngoài. Cụ thể là phát triển các sản phẩm sữa chất lượng cao, sản phẩm dinh dưỡng cao cấp cho phụ nữ và trẻ em. IDP hiện  hợp tác với 2.000 hộ nông dân để thu mua hơn 75 tấn sữa nguyên liệu mỗi ngày.

 

Dây chuyền sản xuất sữa bột hiện đại của NutiFood

Dây chuyền sản xuất sữa bột hiện đại của NutiFood

 

Giải thích lý do chọn IDP, bà Đặng Phạm Minh Loan - Phó Giám đốc điều hành VinaCapital, người trực tiếp theo đuổi, đàm phán thương vụ này - cho rằng ngành sữa đang rất hấp dẫn nhưng VinaCapital chỉ quan tâm đến những DN có khả năng phát triển tốt.

 

“Nói nôm na là người đó phải có đất, đất đó có khả năng xây dựng nền móng vững chắc, đồng thời họ cũng phải cần mình” - bà Loan cho biết. Thực tế, IDP đang nằm trong tốp 5 của ngành sữa Việt Nam, có doanh thu năm 2014 khoảng 80 triệu USD. VinaCapital và Daiwa PI Partners mong muốn sẽ đưa IDP trở thành DN hàng đầu và có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hoặc Đông Nam Á.

Ngoài IDP, mới đây, Anova Milk (thành viên của Nova Group) cũng chính thức hợp tác với Tập đoàn Kerry (Ireland) sau hơn 1 năm tìm hiểu. Bà Võ Thúy Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Anova Milk, cho biết dự án được chia thành 2 giai đoạn và tiến hành trong 10 năm.

 

Giai đoạn 1, 2 tập đoàn sẽ đầu tư 50 triệu USD để xây dựng trang trại bò sữa và nhà máy sản xuất sữa bột theo quy trình hiện đại, khép kín tại Ireland. Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2017, hai bên sẽ nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm liên quan để phục các nhu cầu khác nhau của thị trường. Dự kiến, sản phẩm sẽ chính thức được nhập về Việt Nam vào cuối tháng 3-2015 với thương hiệu Anka Milk.

 

Người tiêu dùng được lợi

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp về lượng sữa tiêu thụ bình quân trên đầu người tại các nước tính đến cuối năm 2013, Trung Quốc: 21 kg/người/năm, Thái Lan: 34 kg, Nhật Bản: 43 kg, Ấn Độ: 47 kg, Malaysia: 50 kg, Úc 108 kg..., trong khi Việt Nam chỉ khoảng 14 kg/người/năm. Điều này cho thấy thị trường các sản phẩm từ sữa ở Việt Nam còn rất lớn.

 

Nói về việc vốn ngoại đang chảy mạnh vào ngành sữa Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đây là tín hiệu tích cực. Điều này sẽ góp phần gia tăng nguồn hàng chất lượng cao, công nghệ tốt và chuẩn hóa chất lượng cho ngành sữa. Quan trọng hơn, khi có nhiều DN tham gia thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ, chất lượng sản phẩm đến giá cả.

 

TS Nguyễn Minh Phong nhận định có 2 lý do khiến các nhà đầu tư ngoại xem sữa là ngành hấp dẫn vì thị trường còn rất lớn, sức mua tăng do nhu cầu tăng. Đặc biệt, ngành này vẫn còn kiểm soát “lỏng”, tính độc quyền còn cao nên khi các tổ chức nước ngoài đầu tư vào sẽ có nhiều cơ hội thu lợi.

 

Theo lãnh đạo một DN sữa lớn trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài với ưu thế vốn mạnh sẽ có chiến lược đầu tư rõ ràng. Họ đã đầu tư thì đầu tư “tới nơi tới chốn” để phát triển mạnh đối tác mà mình đã rót tiền vào. Đó cũng là điều khiến các DN trong nước nếu không có chiến lược tốt và vốn mạnh sẽ bị “đè bẹp”.

 

Doanh nghiệp nội nỗ lực vươn lên

 

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiết lộ đang muốn “se duyên” cùng Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood bởi sự lớn mạnh và tiềm năng của DN này. Ông đã nhờ người “mai mối” nhưng phía đối tác chưa chú ý đến.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo NutiFood thừa nhận có đối tác muốn đầu tư nhưng công ty chưa có nhu cầu. NutiFood đang tập trung thực hiện các nội dung đã ký với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là xây nhà máy sữa tại KCN Trà Đa (Gia Lai), dự kiến tháng 7-2015 sẽ cho ra sản phẩm sữa tươi.

 

Bên cạnh NutiFood, “ông lớn” trong ngành sữa Việt Nam là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng vừa chi 4.000 tỉ đồng đầu tư thêm 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương.

 

Bài và ảnh: SƠN NHUNG

Nguồn: nld.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác