Người tiêu dùng sữa

Thực hư chuyện uống nhiều sữa bò gây loãng xương (!?)

Cùng với trào lưu “thuận tự nhiên” đang diễn ra rầm rộ, một nghiên cứu về việc uống sữa bò quá nhiều sẽ dẫn đến loãng xương đang khiến không ít bà mẹ bất an.

 Nghiên cứu mang tính chất cá nhân

 

Trong nghiên cứu gần đây được viết trong cuốn Nhân tố Enzyme - Phương thức sống lành mạnh của GS. BS. Hiromi Shinya chuyên ngành phẫu thuật tại Đại học Y Albert Einstein, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Beth Israel, đã đưa ra nhận định gây tranh cãi khi cho rằng: Uống quá nhiều sữa bò dẫn đến bệnh loãng xương (!?)

 

“Nồng độ canxi trong máu người ổn định trong khoảng 9 - 10mg (100cc). Khi uống sữa, nồng độ canxi trong máu tăng lên nhanh chóng. Thế nên nếu chỉ nhìn qua, mọi người sẽ cho rằng, cơ thể hấp thu được nhiều canxi trong máu. Thực ra, khi nồng độ canxi trong máu tăng lên, cơ thể sẽ điều chỉnh sao cho nồng độ canxi quay về giá trị ban đầu. Lượng canxi thừa sẽ được thận bài tiết qua nước tiểu, làm giảm lượng canxi trong cơ thể”, nghiên cứu dẫn giải.

 

Ở Việt Nam, kết quả kiểm nghiệm lâm sàng từ chương trình “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” cho thấy: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm mạnh khoảng 3%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%; tình trạng thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng chính (vitamin A, sắt, kẽm) đều được cải thiện rõ rệt. Đây là một thành công đáng kể so với những nỗ lực giảm tỉ lệ nhẹ cân và thấp còi trên toàn quốc (từ năm 2012 - 2013, tỉ lệ nhẹ cân trên toàn quốc giảm 0,9% và tỉ lệ thấp còi giảm 0,8%).

 

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra một số nguy cơ bệnh từ việc sử dụng sữa quá nhiều: “Loại sữa chứa nhiều lipit peroxide làm gia tăng hại khuẩn, ảnh hưởng xấu đến môi trường đường ruột và phá vỡ cân bằng các vi khuẩn trong đường ruột. Kết quả, các chất độc như gốc tự do oxy hóa, hydro, sulfua, amoniac,... sẽ được sinh ra trong đường ruột gây nên một số các nguy cơ tiềm ẩn”.

 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Đây chỉ là nghiên cứu mang tính chất cá nhân từ một số ít bệnh nhân. Đó là chưa kể các bệnh nhân thuộc diện nghiên cứu có bị vấn đề gì về đường tiêu hóa hay không? Nếu đường tiêu hóa có vấn đề, khi uống sữa hay bất cứ loại thực phẩm nào, cũng sẽ gây nguy cơ tổn thương. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy trên các báo, các nghiên cứu quốc tế đều đã công nhận vai trò của sữa. Các nghiên cứu về canxi đều nói rất rõ vai trò của canxi trong sữa cũng như các loại thực phẩm khác. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân uống và nhận thấy sữa hỗ trợ rất tốt trong việc bù đắp thiếu hụt canxi”.

 

BS. Hưng chia sẻ: “Không thế phủ nhận sữa mang lại lợi ích tốt cho đại đa số người sử dụng. Thế nhưng, với một vài trường hợp đặc biệt khi uống sữa có thể xảy ra các tác dụng phụ. Giống như ăn hải sản, đa số đều bình thường, nhưng vẫn sẽ có vài người bị dị ứng. Hơn nữa, trên thị trường, hầu hết các mặt hàng sữa đều có nguồn gốc từ sữa bò nhưng là sữa hoàn nguyên, sữa công thức đã được điều chỉnh, biến đổi các thành phần vitamin. Chính việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ gây dị ứng, nhất là đối với các đối tượng ít tuổi khi mà hệ miễn dịch chưa hoàn thiện”.

 

Đừng tự làm bác sĩ cho con

 

BS. Nguyễn Trọng Hưng khẳng định, sữa có vai trò trong việc phát triển cơ thể, phòng tránh còi xương, loãng xương. Tuy nhiên, mỗi độ tuổi cần có mức độ sử dụng sữa khác nhau cho phù hợp. Cụ thể, từ 3 - 10 tuổi, trung bình uống khoảng 400 - 600ml/ngày; độ tuổi tiền dậy thì uống khoảng 650ml/ngày; người già, bệnh nhân loãng xương hay đang cho con bú cần khoảng 650ml/ngày. “Sữa cũng như thực phẩm, nên sử dụng cân đối, không nên sử dụng một cách thoải mái. Cái gì quá cũng sẽ không tốt, phải tuân thủ theo đúng khuyến nghị”, BS. Hưng nói.

 

Qua đây, vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: “Không có thực phẩm nào hoàn hảo, vậy nên bắt buộc chúng ta phải sử dụng đa dạng thực phẩm. Thức ăn từ tự nhiên sẽ giúp giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng, tác động phụ của các bệnh về thừa canxi hoặc nhiều hệ lụy khác”.

 

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu “thuận tự nhiên”, không ít bậc phụ huynh nghi ngờ sữa bò tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Đồng thời, nhiều bà mẹ bỉm sữa chia sẻ những loại sữa thuận tự nhiên mới từ hạt thực vật có nguồn gốc từ gạo, đỗ, hạnh nhân... Tuy nhiên, theo BS. Hưng, nếu sử dụng quá nhiều sữa hạt thực vật trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa một số chất như tinh bột, đạm...

 

“Thành phần và công thức thường là tự các bà mẹ nghĩ ra nên rất khó kiểm soát tổng năng lượng trong sữa hạt thực vật. Vì vậy, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến chuyên gia chứ không nên tự làm hoặc mua những loại sữa này”, BS. Hưng nói và khuyến cáo: “Trước thông tin dù thuận chiều hay trái chiều, các bà mẹ nên tìm gặp nhân viên y tế, đến các cơ sở y tế uy tín để trao đổi một cách rõ ràng. Cũng đừng tự làm bác sĩ cho con, đừng tự chỉ định, tự mua thuốc".

 

Mai Bích

 
Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác