Sữa Việt Nam

Bị nợ tiền, nhiều nông dân phải bán tháo đàn bò sữa

Hàng trăm hộ nông dân Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh lao đao, thậm chí phải bán tháo đàn bò sữa do đơn vị thu mua sữa nợ tiền sữa nhiều tháng liền.

 Nuôi bò sữa là sinh kế gắn liền với nhiều hộ nông dân huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh trong gần 20 năm qua. Thế nhưng hiện nay, hàng trăm hộ nông dân đang rơi vào cảnh lao đao, thậm chí phải bán tháo đàn bò sữa do đơn vị thu mua sữa nợ tiền sữa nhiều tháng liền. 

 

Chị Nguyễn Thị Điểm, ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, gia đình đã theo nghề nuôi bò sữa hơn 15 năm. Đàn bò sữa hơn 20 con là nguồn thu nhập duy nhất cho cả gia đình có 4 người. Nhưng từ khi Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Hợp tác xã Tân Thông Hội) nợ tiền sữa kéo dài, gia đình chị buộc phải bán dần đàn bò vì không còn tiền mua thức ăn cho bò cũng như trang trải sinh hoạt hàng ngày. 

 

Theo chị Nguyễn Thị Điểm, mười mấy năm qua, gia đình chị chỉ bán sữa cho một đầu mối duy nhất, việc thu mua và thanh toán tiền sữa diễn ra suôn sẻ. Hàng ngày chị cân sữa cho điểm thu mua của Hợp tác xã Tân Thông Hội và ghi số lượng, cứ 10 ngày hợp tác xã trả tiền sữa một lần.

 

Thế nhưng từ giữa tháng 9/2018 hợp tác xã giãn thời gian lên 15 ngày trả tiền sữa một lần, đến tháng 10/2018 thì mỗi tháng chỉ trả tiền 10 ngày hoặc 15 ngày. Cộng dồn các tháng thì hiện nay hợp tác xã còn nợ của chị Điểm gần 100 triệu đồng. 

 

“Thời gian đầu mới thiếu tiền sữa, hợp tác xã vẫn cung cấp cám, thức ăn cho bò ăn nên các gia đình vẫn cố gắng duy trì đàn bò. Tuy nhiên hơn một tháng trở lại đây hợp tác xã không thanh toán thêm tiền sữa lần nào, cũng không cung cấp cám nên gia đình tôi không còn kinh phí mua thức ăn cho đàn bò cũng như sinh hoạt của cả gia đình. Tôi cũng đã đi hỏi thăm các điểm thu mua sữa ngoài hợp tác xã nhưng họ đều từ chối với lý do đã thu mua đủ số lượng. Không còn cách nào, tôi đành phải bán hết đàn bò đang vắt sữa, chỉ để lại bò con và hai bò mẹ đang mang thai.”, chị Điểm chia sẻ.

 

 Chị Nguyễn Thị Điểm, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, chuyển sang nuôi heo thay thế số bò sữa đã bán. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

 

Trong khi đó, ông Võ Văn Cần, Ấp 2, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (tên hộ bán sữa Võ Công Đại) cho biết, Hợp tác xã Tân Thông Hội đã nợ tiền sữa của gia đình ông từ ngày 6/10/2018 đến nay. Trước đây, gia đình ông phát triển đàn bò gần 30 con nên lượng sữa bán mỗi ngày tương đối nhiều, nhưng từ khi Hợp tác xã nợ tiền sữa ông Cần đã bán hơn 10 con bò cái vắt sữa. Hiện tại đàn bò của ông chỉ còn 7 con, trong đó chỉ có 4 con còn vắt sữa. 

 

Theo ông Võ Văn Cần, các hộ có nhiều sữa phải đôn đáo đi tìm đầu mối khác để bán, nhưng không phải ai cũng bán được. Gia đình ông mỗi ngày chỉ vắt khoảng 50kg nên cũng không thiết tha đi tìm mối thu mua khác, cân cho hợp tác xã nhưng chưa biết khi nào mới nhận được tiền sữa. 

 

“Kinh tế gia đình trông cả vào đàn bò, mà hợp tác xã nợ tiền hàng tháng trời thì tụi tui lấy đâu tiền mua thức ăn cho bò, đành phải bán bò để giảm chi phí thức ăn và lấy tiền chi tiêu, dù bò sữa bây giờ cũng mất giá, chỉ hơn 20 triệu đồng/con. Ít hôm nữa mà hợp tác xã Tân Thông Hội không khôi phục được việc thu mua và thanh toán tiền sữa còn nợ, tui cũng bán hết mấy con bò sữa còn lại rồi nghỉ nuôi luôn”, ông Cần ngậm ngùi. 

 

Nghề nuôi bò sữa đã theo các hộ nông dân Củ Chi gần 20 năm, và bò sữa cũng được xác định là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh. Những người nông dân bất đắc dĩ phải bán đi sinh kế của mình cũng chưa biết nếu không nuôi bò sữa nữa, họ sẽ làm gì.

 

Người nuôi thêm vài con bò thịt hoặc ít con heo, con gà vào các dãy chuồng bị trống với hy vọng Hợp tác xã Tân Thông Hội sớm hoạt động ổn định để có thể quay lại với nghề nuôi bò sữa nhưng cũng có người đã tính tới việc đi làm công nhân cho các khu công nghiệp. 

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội xác nhận, hiện nay Hợp tác xã đang nợ tiền sữa của nhiều hộ nông dân với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phía đối tác (Công ty Cổ phần Lothamilk) trước đó ký hợp đồng thu mua sữa của Hợp tác xã với số lượng là 23 tấn/ ngày, sau đó giảm xuống 18 tấn, 15 tấn/ngày và hiện nay chỉ thu mua 7 tấn/ngày. 

 

Trong khi đó, Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 300 hộ nuôi bò sữa là hội viên nên mặc dù đối tác giảm sản lượng thu mua thì hợp tác xã vẫn phải nhận hết sữa của nông dân. 

 

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, thời gian đầu khi sản lượng thu mua của đối tác giảm ít, Hợp tác xã đã cố gắng tìm các kênh tiêu thụ khác như đưa vào sản xuất sữa thanh trùng tại nhà máy sữa Củ Chi của Hợp tác xã.

 

Tuy nhiên khi sản lượng bán ra bị giảm xuống còn 7 tấn/ ngày thì lượng sữa dư thừa mỗi ngày quá lớn, lên tới hơn 10 tấn, nhà máy sữa Củ Chi không sử dụng hết. Trong khi đó, sữa bò tươi nguyên liệu không thể để được lâu nên phải đổ bỏ, vì vậy Hợp tác xã không có tiền để thanh toán cho nông dân. 

 

Ông Nguyễn Minh Khánh khẳng định, việc nợ tiền sữa của nông dân nhiều tháng qua là do điều kiện khách quan, Hợp tác xã bị động trong việc quyết định sản lượng thu mua của đối tác.

 

Tuy nhiên, Hợp tác xã sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền sữa với các hộ là hội viên, trước mắt, ngày 10/1/2019 sẽ trả 30% số tiền đang nợ và trước Tết Nguyên đán 2019 sẽ thanh toán hết tiền sữa còn nợ cho nông dân. Số tiền dùng để trả nợ được lấy từ tiền bán đất cá nhân của các thành viên trong Hội đồng quản trị Hợp tác xã. 

 

Bên cạnh đó, qua thương lượng, phía đối tác thu mua sữa của Hợp tác xã Tân Thông Hội cũng đã đồng ý từ ngày 29/1/2019 sẽ nâng sản lượng thu mua sữa lên 12 tấn/ngày, giải quyết một phần khó khăn về đầu ra cho sữa bò của các nông dân Củ Chi. 

 

Về lâu dài, Hợp tác xã đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi và Sở Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ trong việc đưa sản phẩm sữa tươi thanh trùng Củ Chi (Cuchimilk) được chế biến từ nguồn sữa tươi của các nông dân trong hợp tác xã tham gia vào chương trình sữa học đường ở địa phương nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa tươi Củ Chi, góp phần tăng thêm giá trị, lợi nhuận cho các nông hộ nuôi bò. 

 

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bò sữa là ngành nông nghiệp chủ lực của huyện Củ Chi nhiều năm qua và cũng đã được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

 

Trước tình hình khó khăn hiện nay của Hợp tác xã Tân Thông Hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa bò Củ Chi qua các kênh phân phối khác nhau. 

 

Cụ thể, sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các hộ nông dân nâng cao năng suất sữa, đồng thời hướng dẫn hợp tác xã thực hiện chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩnVietGap. Từ đó tạo điều kiện cho sản phẩm sữa bò Củ Chi tham gia các chợ phiên nông sản an toàn, các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản của thành phố nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp ngành bò sữa thành phố phát triển lâu dài, bền vững./.

 

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác