Sữa Việt Nam

Cần một trung tâm cung cấp giống bò sữa cho nông dân

Nghề nuôi bò sữa đang phát triển nhanh tại Lâm Đồng nhưng đến nay hầu hết người nuôi phải tự tìm mua giống trôi nổi trên thị trường vốn ẩn chứa nhiều bất trắc.
Như nhiều gia đình trong vùng, ông Trần Văn Ngọc, người thôn Bồng Lai, Hiệp Thạnh, Đức Trọng cũng khởi đầu nghiệp nuôi bò sữa của mình cách đây 3 năm với một cặp bò sữa trên 70 triệu đồng mua lại từ một người quen. Đây là một quyết định “dũng cảm” của một gia đình nông dân nghèo vì số tiền này không nhỏ chút nào. Trên đất nhà, ông Ngọc đã chuyển 5 sào đất từ trồng cà phê sang trồng cỏ cho bò ăn, đầu tư thêm tiền làm chuồng trại, mua máy vắt sữa bò. Đến nay,  chuồng nhà ông Ngọc đã có 16 con bò sữa, trong đó 10 con đang cho sữa, mỗi ngày ông bán gần 2 lít sữa tươi cho các đại lý thu mua, trừ đi công cán chi phí thức ăn cho bò, ông vẫn còn một khoản thu nhập “sống được”. 
 
 Cùng với ông Ngọc, tại thôn Bồng Lai đã có 55 gia đình khác theo nghiệp nuôi bò sữa với tổng đàn trong thôn khoảng 200 con. Con số này sẽ còn tăng nhanh vì nhu cầu nuôi của người dân trong thôn rất lớn. Nhiều nông hộ như ông Ngọc chẳng hạn, đang tính chuyện xây dựng trang trại nuôi bò sữa qui mô gia đình, mua thêm bò cho trang trại. Cái khó nhất hiện nay trong chăn nuôi bò sữa chính là vốn đầu tư ban đầu. Giá mỗi con bò thời điểm này thấp nhất cũng từ 35 - 40 triệu đồng, bò tốt giá cao hơn rất nhiều. Với một con bò có mang 3 tháng, giống tốt, Cty Cổ phần sữa Đà Lạt bán cho nông dân từ 70 - 75 triệu đồng. Nuôi bò sữa theo ông Ngọc phải từ 3 con trở lên mới có lãi được. 
 
Nhưng bên cạnh chuyện vốn, vẫn còn một chuyện khiến nhiều nông dân như ông Ngọc không kém phần lo lắng: khi có tiền sẽ mua bò giống ở đâu? Thật ra, theo ông Ngọc, cũng chẳng khó lắm để mua được bò vì người bán đầy ra đó. Vấn đề làm thế nào để mua được bò tốt mới là chuyện đáng nói. Người nuôi lâu nay như ông Ngọc cho biết, vẫn theo cách mọi người thường làm: “Thì nhờ người biết mua bò cùng đi với mình, nhìn hình dáng, lượng sữa thu được hằng ngày, nếu là bê non thì hỏi lý lịch mẹ ra sao rồi mua”. Hầu hết đàn bò sữa của ông Ngọc đều mua theo cách này. Ông cũng nhiều lần cùng người dân nơi đây lặn lội xuống tận Củ Chi - TP HCM để tìm mua bò giống, giá khá cao nhưng khi đưa về nhiều con không hợp với khí hậu xứ lạnh, sữa không nhiều, có con còn mắc bệnh phải bán tháo đi. “Nếu có giống tốt 100 triệu đồng/con tôi cũng sẵn sàng mua”- ông Ngọc khẳng định.
 
 Ngay cả những người nuôi bò sữa lâu năm tại thôn Cầu Sắt, Tu Tra, Đơn Dương cũng gặp những khó khăn tương tự. Nằm sát Nông trường bò sữa Lâm Đồng ngày trước, hiện nay là nơi đóng chân của Cty Dalat Milk và Nông trường bò sữa Vinamilk, Tu Tra hiện có trên 1.000 con bò sữa đang được nuôi trong dân. Bên cạnh việc phát triển đàn tự nhiên nhờ sinh sản, người dân nơi đây để phát triển qui mô chăn nuôi vẫn phải đi nhiều nơi để mua thêm bò. “Phải có kinh nghiệm, nhìn bò rồi quyết định giá cả mua, không nên tin hẳn những gì chủ nhà nói vì ai chẳng muốn nói tốt cho bò mình để bán được giá” - ông Bùi Đăng Sơn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Bò sữa Cầu Sắt chia sẻ. Nhưng mua như thế dù kinh nghiệm có “đầy mình” thì theo ông Sơn, cũng khó biết trước được chất lượng con bò rồi sẽ ra sao. Thông thường chủ nhà thường giữ lại những con bò tốt nhất cho mình, bán bớt những con “có vấn đề”, kể cả thấp giá một chút. Nhiều người cứ ham rẻ mua về mới biết chẳng ra sao. 
 
Để tránh việc mua giống đầy may rủi này, Hợp tác xã Bò sữa Cầu Sắt của ông Sơn vừa qua đã hợp đồng trực tiếp với Cty Dalat Milk để mua giống tốt cung cấp cho xã viên của mình. Trong năm nay, Hợp tác xã đã mua 72 con bò sữa giống nhập từ Thái Lan giá mỗi con gần 80 triệu đồng cho các xã viên có nhu cầu. “Thị trường mua bán bò trôi nổi như thế rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Cty Dalat Milk cho biết. Mỗi con bò gần như là một gia sản của người dân, nhưng bò không rõ nguồn gốc ẩn chứa rất nhiều rủi ro không lường trước. Ít có gia đình nào hiện nay có bảng biểu theo dõi phả hệ của từng con bò mình nuôi, bò nuôi thấy không ưng ý thì bán đi. Trong sinh sản, các hộ nuôi bò hiện nay phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thú y đang hoạt động trên địa bàn vốn sử dụng tinh nhập từ nước ngoài về để phối giống. Lượng tinh này thường nhập vào với số lượng lớn, được lưu trữ để dùng dần nhưng rất ít người trong đội ngũ thú y này theo dõi nguồn tinh mình phối. Và như một hệ quả tất yếu, một nguồn tinh có thể phối cho rất nhiều bò trong đó có cả mẹ và con, dẫn đến hiện tượng đồng huyết. “Điều này sẽ gây thoái hóa cho đàn bò trong một tương lai gần nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu kiểm soát phối giống”- ông Cường nhận xét.
 
Tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng thời điểm này đang tăng rất nhanh. Từ khoảng 3.500 con trong năm 2009 đến nay đã tăng lên trên 8.200 con, chủ yếu được nuôi trong các nông hộ, trong đó Đơn Dương nhiều nhất trên 6.200 con, Đức Trọng 1.200 con, Bảo Lộc trên 1.000 con; các địa phương còn lại như Bảo Lâm chừng 200, Lâm Hà cũng đang phát triển đàn. Việc tăng đàn dựa vào 2 nguồn chính sinh sản tự nhiên và mua bò từ nơi khác về. Mục tiêu của Lâm Đồng trong những năm đến là đưa tổng đàn bò sữa lên khoảng 20.000 con, nhưng dù đạt được con số này thì Lâm Đồng vẫn còn rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh, thành trong nước hiện nay như TP HCM (trên 85 nghìn con), Nghệ An (28 nghìn con) trong khi điều kiện tự nhiên như khí hậu, nguồn thức ăn phong phú, nguồn nước tốt… cực kỳ thuận lợi. Để thực hiện được việc nâng đàn nhanh, người nuôi bò Lâm Đồng đang rất cần có một trung tâm giống bò sữa có chất lượng để cung cấp nguồn giống.  
 
Viết Trọng
Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác