Sữa Việt Nam

Hà Nam-Nỗ lực phát triển chăn nuôi bò sữa

Năm 2017, chăn nuôi bò sữa được tạo mọi điều kiện phát triển quy mô tổng đàn. Cơ sở hạ tầng tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Giá sữa bò tươi tương đối ổn định. Đó là những động lực giúp người dân yên tâm hơn trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa không phải đã hết khó khăn.

 Tính đến cuối năm 2017, đàn bò sữa trên địa bàn toàn tỉnh tăng thêm gần 500 con, tổng đàn đạt trên 3.000 con (đàn bò sữa của các hộ dân có hơn 2.750 con). Sản lượng sữa bò tươi đạt khoảng 123 tấn/ngày, trong đó, lượng sữa bán cho hai nhà máy 20,5 tấn, lượng sữa tiêu thụ trong tỉnh 2,5 tấn. Đây là con số đáng mừng trong điều kiện chăn nuôi bò sữa ở tỉnh ta còn khó khăn. Giá sữa bò tươi trên thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng giá sữa bò tươi trong tỉnh vẫn được các công ty thu mua với giá ổn định, trung bình từ 12.000 - 13.000 đồng/kg.

 

Gia đình ông Lê Văn Chiểu, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) đầu tư chăn nuôi bò sữa nhiều năm nay. Năm 2017, gia đình ông Chiểu mua thêm 5 con bò sữa, nâng tổng đàn hiện có lên 22 con. Chăn nuôi nhiều năm, ông Chiểu đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn chưa đủ để đối phó với dịch bệnh phát sinh trên bò sữa. Điều này làm ông Chiểu hết sức lo lắng. 

 

Cách đây hơn 1 tháng, đàn bò của gia đình ông Chiểu có một vài con bị bệnh, chữa không khỏi nên phải loại thải 2 con. Những con mới mua về cũng phát triển kém. Đàn bò sữa tăng thêm, nhưng gia đình ông Chiểu đang thiếu trầm trọng diện tích đất trồng cây làm thức ăn cho bò. 

 

Hiện nay, gia đình ông Chiểu thuê 2,5 mẫu đất trồng cỏ ở nhiều vị trí khác nhau, có nhiều diện tích giá thuê lên tới hơn 1 triệu đồng/sào/năm. Ông Chiểu muốn thuê thêm đất trồng cỏ nhưng không được vì các hộ dân không có nhu cầu cho thuê đất. 

 

Thiếu đất trồng cỏ, từ tháng 8 năm 2017 đến nay, gia đình ông Chiểu phải bỏ ra gần 100 triệu đồng mua cây ngô làm thức ăn cho bò. Giá cây ngô ngày càng tăng cao, có thời điểm lên tới 1,3 triệu đồng/tấn mà vẫn thiếu nguồn cung. Đầu năm 2018, ông Chiểu dự định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi bò sữa, nhưng với những khó khăn hiện nay, kế hoạch mở rộng đàn bò sữa của ông Chiểu vẫn chưa thể thực hiện. 

 

Thiếu đất trồng cỏ, thiếu kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho bò sữa, thiếu thông tin về nguồn cung bò sữa chất lượng, đó là những trở ngại lớn, khiến cho mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng tổng đàn bò sữa năm 2017 của nhiều địa phương không đạt được.

 

Mặc dù, UBND tỉnh, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã tăng cường thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân, tuy nhiên, có nhiều yếu tố đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa. 


 

Năm 2017, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh tăng thêm được gần 500 con, nâng tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt hơn 3.000 con. 

 

Kỹ thuật của người chăn nuôi còn hạn chế là yếu tố tác động mạnh nhất đến hiệu quả chăn nuôi bò sữa. Thiếu kỹ thuật chăn nuôi nên công tác phòng, chống bệnh cho bò sữa kém hiệu quả, dẫn tới, chi phí đầu tư chăn nuôi tăng cao mà chất lượng sữa tươi kém, không bảo đảo yêu cầu của nhà máy. Người chăn nuôi phải bán sữa với giá thấp hơn giá bình quân. 

 

Đối với nhu cầu về đất trồng cây làm thức ăn cho bò sữa, hiện chưa thể đáp ứng vì đất nông nghiệp đã giao ổn định cho các hộ dân trước khi triển khai chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa. Chính vì vậy, giải pháp duy nhất là các hộ có nhu cầu thuê đất phải thỏa thuận được với các hộ cho thuê đất.

 

Không phải bây giờ, vấn đề thiếu kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa mới được xem trọng, mà từ lâu, các địa phương đã có nhiều kiến nghị cơ quan chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân. Có điều, chỉ trông chờ vào các lớp tập huấn là chưa đủ. Bài học về 11 con bò sữa của một hộ dân xã Nguyên Lý (Lý Nhân) bị chết do không rõ nguyên nhân xảy ra hồi tháng 11/2017 là một ví dụ.

 

Để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững đòi hỏi cần thỏa mãn nhiều yếu tố. Trong đó, trình độ kỹ thuật và các điều kiện phục vụ tốt nhu cầu chăn nuôi quyết định lớn đến khả năng phát triển tổng đàn và hiệu quả chăn nuôi. 

 

Mục tiêu đến cuối năm 2018, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt 6.000 con. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện vì phát triển chăn nuôi bò sữa còn không ít khó khăn. Thực tế, đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền các địa phương và các ngành chức năng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn đối với chăn nuôi bò sữa; cùng với đó là sự nỗ lực cố gắng của người chăn nuôi nhằm phát triển ổn định đàn bò sữa.

 

Bích Huệ


Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác