Sữa Việt Nam

Hướng mở trong chăn nuôi bò sữa ở Lâm Ðồng

Để đạt mục tiêu phát triển đàn bò sữa một cách bền vững, Lâm Đồng xác định chú trọng tới xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò và chế biến sữa. Đồng thời, khuyến khích nông dân phát triển đàn bò bền vững, tăng cường liên kết nông dân - doanh nghiệp, hạn chế nuôi nhỏ lẻ, thủ công tự phát…

 Bò sữa mang lại thu nhập tốt cho người chăn nuôi nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Làm sao để nghề chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, đó là câu hỏi được cả nông dân, chuyên gia nông nghiệp và nhà quản lý băn khoăn, trăn trở. 

 
Toàn tỉnh có khoảng 2.610 ha chuyên phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Ảnh: D.QUỲNH
Toàn tỉnh có khoảng 2.610 ha chuyên phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Ảnh: D.QUỲNH
Xếp thứ 3 trên bản đồ bò sữa Việt
 
Lâm Đồng đứng thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An về sản lượng sữa và đầu bò. Vị trí này trên cả Hà Nội và Sơn La là những địa phương nuôi bò sữa truyền thống.
 
Các địa phương có số bò lớn tập trung tại các huyện như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Diện tích trồng cỏ toàn tỉnh đạt khoảng 2.610 ha chuyên phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt.
 
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 572 hộ chăn nuôi bò sữa có quy mô từ 10 con/hộ trở lên. Tuy nhiên, lượng đàn bò chủ yếu vẫn được nuôi trong dân với quy mô trung bình khoảng 6-7 đầu bò/hộ, số hộ có 5-6 đầu bò trở xuống giảm dần và quy mô từ 10-15 đầu bò/hộ tăng lên. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn như Công ty Vinamilk, Công ty Agrivina, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt, Công ty TNHH Bò sữa Lâm Đồng với quy mô từ hàng trăm tới hàng ngàn con. 
 
Tình hình ngành bò sữa Việt Nam
Mục tiêu của ngành bò sữa Việt Nam là tới năm 2020, có trên 400 ngàn con và sản lượng trên 1 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Việt.
- Tổng đàn bò sữa trên 275 ngàn con
- Sản lượng trên 723 ngàn tấn/năm.
- Đáp ứng được 34% nhu cầu nội địa.
- Cần nhập khẩu 66%.

Có sự chuyển dịch lớn về giống bò sữa Lâm Đồng. Nếu như thời gian đầu tiên, giống bò sữa trong tỉnh chủ yếu là lai tạo giữa giống bò HP thuần và bò lai sind; thì hiện nay, trên 90% tổng đàn bò sữa là bò HF thuần chủng, đã thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu và chăm sóc của nông dân, đạt năng suất 6 ngàn đến 6,5 ngàn kg sữa/chu kỳ 305 ngày, tỷ lệ sinh sản đạt 70-80%, chất lượng sữa đạt yêu cầu so với giống bò HF thuần chủng.

Với sản lượng sữa chừng 160 tấn/ngày, toàn tỉnh có 12 trạm thu mua sữa, hầu hết lượng sữa tươi được thu mua bởi ba công ty đóng chân trên địa bàn tỉnh bao gồm Vinamilk, FrieslandCampina và Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt. 
 
Nhìn chung, lượng sữa tươi sản xuất ra được thu mua hết, thu nhập của người nông dân nuôi bò ổn định. Và cũng vì vậy, đàn bò sữa Lâm Ðồng ngày càng phát triển nhanh và xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết.
 
Tương lai cho dòng sữa trắng
 
Vấn đề tiêu thụ là một trong những khó khăn nhất đối với những người chăn nuôi bò ở Lâm Đồng. Hiện tại, do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giá sữa thế giới giảm mạnh, các công ty thu mua sữa của nông dân lợi nhuận thấp hơn nhập khẩu khiến việc thu mua sữa gặp nhiều thử thách. Một số nông dân nuôi bò sữa cho biết, càng ngày tiêu chuẩn của công ty về chất lượng sữa càng tăng, hạn chế sản lượng, giảm giá sữa… khiến ít nhiều gây khó cho người chăn nuôi. 
 
Bên cạnh đó, việc nguồn giống đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Hầu hết bò được nuôi ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tư duy chăn nuôi theo hướng tận dụng, chưa có chiến lược phát triển hợp lý, có lúc còn phát triển đàn bò chạy theo phong trào. Ông Hoàng Sĩ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng thừa nhận, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi bò sữa. Cả Lâm Đồng chưa có một cán bộ quản lý giống chuyên trách trong khi giống là điều kiện tiên quyết để phát triển đàn bò đạt chất lượng. 
 
Tuy nhiên, dù gặp khó khăn tới đâu vẫn phải xác nhận, chăn nuôi bò sữa sẽ là hướng phát triển tất yếu do nhu cầu sử dụng sữa ngày càng tăng của người tiêu dùng. Bởi vậy, Lâm Đồng xác định tới năm 2020, tổng đàn bò sẽ đạt con số 40-50 ngàn con, duy trì tốc độ tăng đàn bình quân 20%/năm trở lên. Sản lượng sữa tươi ước đạt 150-200 ngàn tấn/năm, chất lượng sữa tươi đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy đinh, trên 95% sản lượng sữa của nông dân được doanh nghiệp thu mua. 
 
Việc đầu tư xây dựng được nhà máy chế biến sữa tươi ngay tại địa phương sẽ là hướng mở cho chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng. Có nhà máy chế biến tại chỗ, nông dân và doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận, giúp đàn bò phát triển bền vững. Công tác giống, kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chuẩn cho nông dân cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.
 
Hy vọng với các biện pháp thúc đẩy tổng hợp, đàn bò sữa Lâm Đồng sẽ phát triển bền vững, cung cấp dòng sữa trắng cho tiêu dùng và thu về no ấm cho người nông dân chăn nuôi.
 
Cần nâng cao kỹ thuật chăm sóc bò sữa
 
T.S Helmut Born, Tổng thư ký Hiệp hội nông dân Ðức: Làm nông dân cũng phải học
 
Tôi đánh giá Lâm Đồng là nơi rất thích hợp để chăn nuôi bò sữa và nông dân của các bạn rất chịu học hỏi. Nếu so sánh nghề chăn nuôi bò sữa của Đức với nông dân Việt Nam sẽ là không chính xác. Tuy nhiên, trong khả năng trước mắt, nông dân Lâm Đồng có thể cải thiện từ những chi tiết nhỏ nhất. Tôi có thể nói như các bạn cải thiện về con giống, kỹ thuật cho ăn, kỹ thuật vắt sữa… 
 
Làm nông dân cũng phải học, nhất là khi các bạn muốn làm nông dân giỏi. Tại Đức, nghề nông nghiệp được dạy trong trường nghề tới 3 năm và ở đó, các bạn sẽ được học tất cả các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người nông dân. Thực hiện chương trình hỗ trợ giữa hai quốc gia, chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ các bạn tiếp cận những thông tin, kỹ thuật hữu ích nhất để nông dân Việt Nam chủ động trong công việc hàng ngày.
 
Ông Lều Vũ Ðiều Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Chất lượng đàn bò chưa đồng đều
 
Hiện tại, nông dân Lâm Đồng phát triển đàn bò rất tốt. Tuy nhiên, qua thực tế nhận thấy, điểm yếu nhất của nông dân vẫn là vấn đề kỹ thuật. Chúng ta chưa có một quy chuẩn chăm sóc, chữa bệnh cụ thể cho từng giống bò ở từng địa phương dẫn đến người chăn nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm và truyền miệng, chất lượng đàn bò chưa đồng đều. Việc cần làm ngay là phổ biến rộng rãi kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa đúng kỹ thuật tới cho nông dân để đảm bảo đàn bò phát triển bền vững.  
 
 
Tiến sỹ Uwe Clar Trung tâm đào tạo nông nghiệp Echem, Ðức: Cần tạo ra điều kiện sản xuất tối ưu
 
Bò sữa là vật nuôi đòi hỏi điều kiện chăm sóc và khi nông dân tạo ra điều kiện tối ưu nhất, con bò sẽ phát triển và cho sữa tốt. Với điều kiện của nông dân Lâm Đồng, tôi đánh giá các bạn có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, tuy nhiên diện tích đồng cỏ và chuồng trại còn hẹp. 
 
Ở nhiều trang trại, thay vì trải nệm cao su cho bò đi lại như ở Đức, tôi thấy nhiều nông dân Lâm Đồng đã trải thảm trấu, đây cũng là biện pháp rất tốt giúp bò giảm chấn thương chân. Các bạn cần chú ý tới điều chỉnh ánh sáng, cung cấp đủ nước uống và điều chỉnh nhiệt độ cho chuồng bò.
 
DIỆP QUỲNH
Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác